Cụ thể, về nhập khẩu, trong tháng 7/2020 lượng sắt thép nhập khẩu đạt 1,4 triệu tấn, trị giá hơn 751 triệu USD, tăng 19,2 % về lượng và 15% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 1,77 tỷ USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2020, sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc được nhiều nhất, đạt 2,48 triệu tấn, tương đương 1,52 tỷ USD, giá trung bình 614,3 USD/tấn, chiếm trên 30,5% trong tổng lượng và chiếm 31,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, giảm 28,4% về lượng, giảm 30,5% về kim ngạch và giảm 2,9% về giá so với cùng kỳ năm 2019.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắt thép cho Việt Nam, với 1,43 triệu tấn, tương đương 811,62 triệu USD, giá 569,3 USD/tấn, tăng 18,6% về lượng, nhưng giảm 0,1% về kim ngạch và giảm 15,8% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước,
Tiếp sau đó là thị trường Hàn Quốc đạt hơn 990 ngàn tấn, trị giá 714,93 triệu USD, giảm cả về lượng, kim ngạch do với cùng kỳ năm 2019 với mức giảm lần lượt 0,5%, 11,3%; chiếm 12,2% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 15% trong tổng kim ngạch.
Về xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 7/2020 đạt hơn 885 ngàn tấn, trị giá hơn 447 triệu USD tăng 0,4% về lượng và tăng 6,9% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lượng sắt thép các loại xuất khẩu đạt 4,7 triệu tấn trị giá hơn 2,53 tỷ USD tăng 23% về lượng và tăng 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình tiêu thụ thép có khởi sắc giai đoạn sau giãn cách vào tháng 4 nhưng tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, bước vào mùa mưa khiến việc tiêu thụ chậm lại.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện giá nguyên liệu sản xuất thép tháng 5, 6 và 7 đã tăng trở lại sau một thời gian giảm trước đây. Giá quặng sắt ở mức 115-118 USD/tấn, tăng 9-12 USD/tấn so với đầu tháng 7 và tăng 30 USD so với đầu tháng 5. Mức giá này tương đương với giá cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 7/2019 do sự cố vỡ đập ở mỏ Vale (Brazil).
Cùng với đó, giá thép phế liệu cũng khoảng 30 USD/tấn so với tháng 5, lên 280 USD/tấn. Giá cuộn cán nóng HRC ngày 09/08/2020 ở mức 480-485 USD/tấn, tăng mạnh trong những tháng gần đây. Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng đã gây sức ép lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm trong khi diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp.
-
Tháng 6/2020: Sản xuất và bán hàng ngành thép tiếp tục giảm
CafeLand - Đà tăng trong tháng 5 đã không tiếp tục được duy trì khi trong tháng 6, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước giảm lần lượt 6,17% và 7,19% so với tháng trước.