Theo cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 300 triệu USD, trạng thái này đang đi ngược lại nỗ lực xuất siêu tháng 6 và tính chung 6 tháng đầu năm 2018.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2018 đạt 19,845 tỷ USD, cao hơn 245 triệu USD so với số ước tính, trong đó hàng dệt may cao hơn 245 triệu USD; điện thoại và linh kiện cao hơn 120 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 58 triệu USD; sắt thép cao hơn 45 triệu USD; xăng dầu cao hơn 27 triệu USD.
Tuy nhiên, sang tới tháng 7, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 19,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,85 tỷ USD, giảm 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,65 tỷ USD, giảm 1,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 7 có kim ngạch giảm: Điện tử máy tính và linh kiện giảm 7,5%; sắt thép giảm 8,7%; hóa chất giảm 9,2%; xăng dầu giảm 14,4%; gạo giảm 18,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 19%.
Tính chung 7 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 18,4%; hàng dệt may tăng 11,5%.
Về tình hình xuất khẩu: Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 19,8 tỷ USD, đã trở lại tăng 4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,6 tỷ USD, tăng 5,9%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn tăng: Xăng dầu tăng 101,4%; vải tăng 18,8%; điện thoại và linh kiện tăng 6,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 5,1%; sắt thép tăng 11,8% (lượng giảm 12,4%).
Tổng cục thống kê lưu ý, tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong thời gian tới. Việc Trung Quốc phá giá đồng CNY có thể làm hàng Trung Quốc ồ ạt tràn sang Việt Nam dẫn tới tình trạng nhập siêu có thể tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm.
-
Tháng 7 vàng giảm giá, USD tăng giá 1,3%
CafeLand - Một trong những điểm đáng chú trong tháng 7 là việc điều chỉnh tỷ giá tăng của ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm cho giá USD chính thức tăng 1,3% từ đầu năm tới nay.