Đó là yêu cẩu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong buổi họp trực tuyến mới đây về công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam.
Ông thể cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ phải có mặt bằng sạch trong tháng 6/2020 để triển khai đồng loạt các gói thầu cao tốc Bắc - Nam trên cả nước trong tháng 8/2020.
Trước đó, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài 654km, đi qua 13 tỉnh với diện tích đất cần thu hồi khoảng 4.835 ha, khoảng 3.690 hộ dân phải tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, tổng kinh phí phục vụ GPMB khoảng 12.401 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 457,42km (đạt 70%). Trong số 114 khu tái định cư phải xây dựng, hiện các địa phương đã phê duyệt xong 36 khu, đang triển khai xây dựng 35 khu. Còn lại 78 khu tái định cư đang được các địa phương tiến hành công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Về các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phải di dời 1.245 vị trí hạ tầng đường điện, 25.436m đường ống nước các loại và 46.529m cáp viễn thông.
Được biết, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng vốn đầu tư 118.716 tỉ đồng, trong đó gồm 55.000 tỉ đồng vốn Nhà nước đầu tư và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Tuy nhiên mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép chuyển hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công và dự kiến khởi công những dự án này trong tháng 8/2020.