Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng đầu tiên năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt kim ngạch ở mức cao với 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2021.

Nhóm hàng này vẫn xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ đạt 928 triệu USD, tăng 12,8%; Nhật Bản: 153 triệu USD, tăng 16,3%; Trung Quốc: 134 triệu USD, tăng 27%... so với cùng kỳ năm 2021.

Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đã nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm và nằm trong top 3 nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số (đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may), đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung của cả nước.

Được biết, năm 2021 bất chấp những khó khăn do Covid-19, gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam, đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Đây chính là động lực để ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tiếp bước, theo đà để phát triển trong năm 2022, với mức dự kiến hơn 20% so với năm 2021.

Một số thị trường triển vọng mở rộng của ngành gỗ trong năm 2022, theo các chuyên gia có Australia, Trung Quốc, EU, Anh và các quốc gia Trung Đông. Trong đó với thị trường Trung Quốc có thể phát triển các sản phẩm mới, trước đây doanh nghiệp chủ yếu xuất gỗ dăm, nguyên liệu thô, nhưng có thể cuối năm 2022 thì doanh nghiệp sẽ xuất khẩu đồ gỗ chính ngạch sang Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, các hiệp định thương mại tự do đang tác động rất thuận cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam. Trong khi với thị trường Mỹ vốn đã xác định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.