Trong vài tháng gần đây, dòng chảy đồng nhân dân tệ Trung Quốc (NDT) ra thị trường nước ngoài đã tăng mạnh khi các nhà nhập khẩu nước này được khuyến khích dùng NDT để thanh toán thay cho đồng đô la Mỹ. Nhưng một động thái mới đây của Chính phủ Trung Quốc cho thấy xu hướng này có thể bị đảo ngược.


Biện pháp đưa đồng NDT ra bên ngoài biên giới mà Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh là hoán đổi NDT với ngân hàng trung ương các nước khác và cho vay ODA

Đảo ngược chính sách để hút tiền về

Trong một thông cáo đăng trên trang web vào sáng thứ Hai 6/12 vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc nói rằng, sẽ cho phép 67.359 công ty xuất khẩu ở 16 tỉnh thành của nước này được thu tiền hàng bằng NDT. Con số này đã vọt lên từ mức hiện chỉ có 365 doanh nghiệp ở vài địa phương lớn như Thượng Hải được phép làm như vậy. Nhưng so với con số các nhà nhập khẩu Trung Quốc được dùng đồng NDT để thanh toán ở nước ngoài, thì con số các nhà xuất khẩu được phép làm như vậy hãy còn quá ít.

Tại sao Trung Quốc thay đổi như vậy? Việc các nhà nhập khẩu Trung Quốc đem NDT ra nước ngoài mua hàng đã tạo nên sự tích tụ NDT bên ngoài Trung Quốc. Báo cáo chính sách tiền tệ quý 3 - 2010 của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy, trong tổng số hợp đồng thương mại thanh toán bằng đồng NDT từ giữa năm ngoái đến nay, có đến 90% là các hợp đồng nhập khẩu. Còn theo cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông, tiền gửi bằng NDT ở các ngân hàng của lãnh thổ này trong tháng 11/2010 đã lên tới 217 tỉ NDT, tăng 45,4% so với tháng 10. Vấn đề nằm ở chỗ, đồng NDT chảy ra ngoài biên giới Trung Quốc nhưng các quỹ đầu tư nước ngoài không thể dùng nó để đầu tư vào thị trường tài chính trong nội địa Trung Quốc, buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải mua nhà đất và các tài sản khác ở Trung Quốc, đẩy giá bất động sản tăng nhanh và kích hoạt lạm phát. Động thái mới nói trên của Trung Quốc - tạo một sự cân bằng hơn về số lượng doanh nghiệp nhập (gửi tiền ra nước ngoài) và xuất khẩu (thu tiền về) được sử dụng đồng NDT - có thể hiểu là một nỗ lực nhằm làm chậm lại đà tích tụ đồng NDT ở nước ngoài và kiềm chế lạm phát trong nước. Theo tính toán của Bắc Kinh, nhà đầu tư nước ngoài có thể dùng đồng tiền này để nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, thay vì phải tìm cách đổ vào bất động sản.

Tuy vậy trong thực tế, do kỳ vọng rằng đồng NDT sẽ tăng giá theo áp lực mà các đối tác thương mại đang buộc Trung Quốc phải thực hiện, những người đang nắm giữ NDT ở nước ngoài có thể sẽ không dùng nó để mua hàng, và như vậy sẽ làm cho quyết định hút tiền về của Trung Quốc khó mà thực hiện được trót lọt.

Giấc mơ quốc tế hóa đồng NDT

Hơn thế nữa, quyết định này còn mâu thuẫn với ý đồ của chính phủ nước này muốn quốc tế hóa đồng NDT theo đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Bản thân ý tưởng quốc tế hóa đồng NDT - để cho nó được lưu hành rộng rãi trên toàn thế giới như đồng đô la Mỹ, euro châu Âu hoặc yên Nhật - cũng mâu thuẫn với chính sách kiểm soát tỷ giá, kiểm soát ngoại hối của chính phủ Trung Quốc,

Trước Hội nghị G20 tại London năm 2009 và Hội nghị Thượng đỉnh các nước BRIC tại Saint Petersburg, Trung Quốc đã đề nghị thay thế đồng đô la Mỹ bằng một phương tiện thanh toán quốc tế khác, trong đó đồng NDT chiếm một vai trò càng lớn hơn. Trong tháng ba năm nay, Trung Quốc đã cùng IMF lên tiếng kêu gọi thực hiện việc đa dạng hóa tiền tệ dự trữ, tất nhiên trong rổ tiền tệ dự trữ đó có cả NDT. Trung Quốc còn tìm cách đưa Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Dân làm cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch IMF Dominique Strauss Kahn nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình trên.

Một số thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu thỏa thuận với nhiều nước nhằm trao đổi tiền tệ để các nước trên sử dụng NDT như một đồng tiền dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, như bà Paola Subacchi của Viện nghiên cứu Chatham House nhận xét: “Nỗ lực tạo ra một đồng tiền quốc tế, có thể chuyển đổi được trên phạm vi toàn thế giới bằng những chính sách hành chính là điều chưa từng có tiền lệ. Chưa ai thử làm như vậy trước đây, dù chỉ làm một phần”.

Việc đồng tiền bản địa của một nước nào đó có được người dân và doanh nghiệp nước khác sử dụng trong thanh toán hay không là vấn đề nhu cầu thị trường. Người ta dùng đô la Mỹ trong thương mại và đầu tư không phải vì chính phủ Mỹ có chương trình khuyến khích hoặc quy định phải làm như vậy. Chính phủ Trung Quốc có thể điều hành đồng tiền trong nước Trung Hoa nhưng không thể buộc người nước khác phải dùng NDT. Muốn quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc cần phải để cho nó được tự do lưu thông, tự do chuyển đổi và tỷ giá giữa đồng NDT với các ngoại tệ khác phải do thị trường quyết định. Tuy nhiên chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đồng ý nới lỏng sự kiểm soát dòng vốn ra vào hay thả nổi tỷ giá. Sự kiểm soát này khiến cho người nước ngoài hầu như không thể sở hữu trái phiếu hay cổ phiếu nội địa Trung Quốc và triệt tiêu khả năng chuyển đổi tự do của đồng NDT bên ngoài Trung Quốc. Hơn thế nữa, từ trước đến nay trong thương mại và đầu tư, Trung Quốc thu hút tiền từ nước ngoài về nhiều hơn là đưa tiền ra nước ngoài, do đó không có một quy trình kinh tế tự nhiên nào cho đồng NDT được vận hành bên ngoài Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc có quỹ dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới nhưng đồng NDT của Trung Quốc thì hầu như vắng bóng trong quỹ dự trữ của tất cả các nước khác. Cho đến nay, biện pháp đưa đồng NDT ra bên ngoài biên giới mà Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh là hoán đổi NDT với ngân hàng trung ương các nước khác và cho vay ODA - một biện pháp do Joseph Yam, nguyên Giám đốc cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đề xuất và được thực hiện ráo riết từ cuối năm 2008, khi Mỹ và phương Tây bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Bằng cách hoán đổi hoặc vay của chính phủ Trung Quốc, các nước sẽ có NDT để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Bắc Kinh cũng kiểm soát được dòng tiền một cách hiệu quả.

Cái bẫy nhân dân tệ

Với các nước ASEAN láng giềng, từ cuối năm 2008 Trung Quốc đã mời gọi sử dụng đồng NDT trong giao dịch thương mại xuyên biên giới. Tới nay đã có hai nước Malaysia và Indonesia hoán đổi và sử dụng đồng NDT trong ngoại thương với Trung Quốc. Bên lề Hội nghị bộ trưởng thương mại ASEAN tại Đà Nẵng hồi tháng 8, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cũng ra sức vận động ASEAN đưa đồng NDT vào sử dụng trong mọi giao dịch thương mại với Trung Quốc, nhưng đề nghị này được các nước ASEAN tiếp nhận một cách hờ hững.

Các chuyên gia tài chính ASEAN đều nhất trí khuyến cáo các doanh nghiệp nên thận trọng.

Theo báo Vietnamnet, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam Cao Sĩ Kiêm nhận định: “Vào thời điểm hiện nay vị trí đồng NDT chưa đủ mạnh, cũng không nằm trong danh sách 5 đồng tiền uy tín trong thanh toán quốc tế, vì thế, việc chấp thuận cho thanh toán quốc tế cần cân nhắc thận trọng nhất là khi NDT chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi”. Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cũng có cùng ý tưởng như vậy khi nói đồng NDT tuy mạnh về mặt tỷ giá nhưng hệ thống tài chính - ngân hàng của Trung Quốc lại không ổn định và hàm chứa những nguy cơ cao; chính sách tiền tệ của Trung Quốc rất khó tiên lượng và không nhất quán. Do đó, sẽ còn lâu đồng NDT mới có thể được xem như một đồng tiền thanh toán quốc tế.

Trong khi đó, theo TS Lê Đăng Doanh, vì đồng NDT chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi nên “việc chấp nhận đồng NDT sẽ dẫn đến rủi ro, làm cho nước chấp nhận đồng tiền đó phụ thuộc đơn phương vào Trung Quốc”. “Khả năng hoán đổi song phương giữa đồng tiền quốc gia và đồng NDT nhất thiết phải được bảo đảm để tránh bị đơn phương rơi vào “bẫy nhân dân tệ” mà không thoát ra được”, TS Lê Đăng Doanh cảnh báo (Vietnamnet 31/8/2010). Việc vay vốn bằng NDT cũng hàm chứa những rủi ro rất lớn. Dưới áp lực ngày càng tăng của Mỹ và các nước châu Âu, đồng NDT nhất thiết phải tăng giá, làm cho giá trị của món nợ tính theo đồng tiền Việt Nam tăng theo. Ngoài yếu tố lãi suất cao và những ràng buộc bất lợi khác, các món vay từ Trung Quốc còn có khả năng mang lại những thiệt hại lớn về tỷ giá.

Ở quy mô doanh nghiệp, Trung Quốc thường khuyến khích dùng bản tệ để thanh toán thương mại song phương: hàng xuất khẩu của Việt Nam được trả bằng NDT, còn hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam được trả bằng tiền đồng. Lời mời chào này có vẻ hấp dẫn nếu tính toán rằng NDT sẽ tăng giá so với đô la Mỹ. Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam bị phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, nhập siêu từ Trung Quốc năm ngoái đã lên tới 11,2 tỷ đô la Mỹ nên chắc chắn Việt Nam sẽ không có đủ NDT thanh toán các hợp đồng nhập khẩu, buộc phải vay của doanh nghiệp Trung Quốc. Gánh nặng nợ nần từ đó sẽ tăng lên, và cùng với đà tăng giá của NDT, sẽ đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào thế lệ thuộc vào Trung Quốc cả về hàng hóa lẫn tín dụng. Và phải chăng đó là cái “bẫy nhân dân tệ” mà TS Lê Đăng Doanh nói ở trên.

Cafeland.vn - Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland