Phản ánh tới Dân Việt, bà Nguyễn Thị Yến (xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, ngày 19/12/2013 gia đình bà cùng một số hộ dân khác tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án khu quy hoạch dân cư xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương.
Tại phiên đấu giá, gia đình bà đã trúng đấu giá 2 lô đất (thửa số 5, thửa số 6 theo trích lục của bản đồ quy hoạch) với tổng diện tích 260m2.
Quyết định thông báo kết quả trúng đấu giá của UBND huyện Phú Lương.
Ngày 20/12/2013, gia đình bà nhận được Quyết định số 5719/QĐ – UBND của UBND huyện Phú Lương về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án khu quy hoạch dân cư xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương. Ngày 26/12/2013, gia đình bà đã nộp đủ 227 triệu đồng tiền trúng đấu giá đất cho 2 lô đất nói trên.
Ngày 30/5/2013, UBND huyện Phú Lương tiến hành bàn giao đất cho các hộ dân trúng đấu giá đất. Tuy nhiên, các cơ quan có mặt tại hiện trường khi đó (Phòng TN&MT huyện Phú Lương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lương, UBND xã Yên Ninh) lại không thể bàn giao được chỉ giới đối với một số thửa đất đã đấu giá cho các hộ dân. Lý do không thể giao đất, các thửa đất đấu giá chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Tiền đã nộp, nhưng 6 năm trôi qua, các hộ trúng đấu giá đất vẫn chưa được chính quyền giao đất.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Yến bức xúc: "Theo quy định của luật đấu giá đất, sau 15 ngày kể từ ngày có thông báo Quyết định trúng đấu giá đất, người trúng đấu giá đất sẽ được giao đất và cấp GCNQSDĐ.
Thế nhưng suốt từ năm 2013 cho đến nay, đã hơn 6 năm trôi qua, các hộ trúng đấu giá chúng tôi vẫn không thấy UBND huyện Phú Lương và các Phòng, ban liên quan bàn giao các thửa đất nêu trên cho chúng tôi".
Bà Yến cho biết thêm, khi người dân chưa kịp xoay sở kịp tiền để nộp theo thông báo trúng đấu giá, các cơ quan chức năng tiến hành phạt vì lỗi chậm nộp với lãi suất 0,05%/ngày. Để có tiền nộp, nhiều hộ dân khi đó đã phải bán ruộng, bán vườn, thậm chí có hộ phải đi vay lãi ngày về nộp.
"Thế nhưng ngược lại, sau khi bà con chúng tôi nộp xong tiền thì các cơ quan nhà nước lại làm ngơ đối với quyền lợi của chúng tôi. 6 năm trời không giao đất cho chúng tôi, chúng tôi lấy đâu ra đất để mà sinh sống làm ăn, đời sống, kinh tế rơi vào cảnh túng quẫn, bí bách, thiệt hại đó ai là người chịu trách nhiệm?" bà Yến nói.
Bà Yến cho biết, suốt 6 năm trời, UBND huyện Phú Lương không giao đất cho các hộ dân.
Cũng theo bà Yến, sau một thời gian dài nộp tiền đấu giá đất nhưng không được giao đất, gia đình bà đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng của huyện Phú Lương nói riêng cũng như tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Nhưng, sau mỗi lần gửi đơn, gia đình bà chỉ nhận lại được phiếu chuyển đơn mà không có bất cứ cơ quan cụ thể nào đứng ra giải quyết. Bà cũng không biết vụ việc mua bán đấu giá đất này đến bao giờ mới được giải quyết triệt để, để bà con yên tâm sinh sống, làm ăn.
2 lô đất mà gia đình bà Yến đã trúng đấu giá và nộp tiền từ năm 2013 nhưng đến nay chưa giải phóng mặt bằng.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại dự án khu quy hoạch dân cư xóm Đồng Đình, còn một số trường hợp nộp tiền theo diện giao đất có thu tiền. Tuy nhiên, sau nhiều năm nộp tiền, các hộ dân này vẫn không được cấp GCNQSDĐ.
Bà Lê Thị Thu cho biết, năm 1994, bà là công nhân thuộc Xí nghiệp quản lý đường bộ Bắc Thái và ở nhà tập thể của xí nghiệp tại đây. Năm 1996, do nhà tập thể chật chội nên xí nghiệp cho bà dựng một ngôi nhà tạm tại khu đất ở vị trí gia đình đang sinh sống hiện nay.
Năm 1997, quốc lộ 3 chuyển về cho Cục quản lý đường bộ quản lý, cũng từ đó bà chuyển sang làm việc tại Công ty Cổ phần đầu tư, xây dựng công trình giao thông 238. Toàn bộ khu đất nói trên cũng được chuyển về cho Công ty Cổ phần đầu tư, xây dựng công trình giao thông 238 quản lý.
Năm 1998, bà được công ty tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng một nhà cấp 4 và ở ổn định từ đó đến nay trên khu đất này. Năm 2006, công ty bàn giao lại một số diện tích đất tại khu vực xóm Đồng Đình về cho địa phương quản lý, đồng thời đề nghị địa phương cắm đất cho các hộ đã có nhà trên đất.
Không chỉ riêng hộ bà Yến, nhiều hộ dân ở xóm Đồng Đình rơi vào tình cảnh đã nộp tiền đầy đủ nhưng không được giao đất.
Tháng 12/2013, UBND huyện Phú Lương có quyết định thông báo khu quy hoạch dân cư xóm Đồng Đình. Gia đình bà không thuộc diện phải đấu giá quyền sử dụng đất mà thuộc diện cấp đất có thu tiền. Sau đó, gia đình bà Thu đã nộp hơn 268 triệu đồng cho 297m2 đất ở.
Theo bà Thu, đất mà gia đình bà ở hiện tại là đất do Công ty 238 phân cho công nhân. Khi huyện ra thông báo, gia đình bà vẫn nộp tiền. Tuy tiền đã nộp xong đầy đủ, nhưng từ năm 2013 cho đến nay, UBND huyện Phú Lương vẫn chưa cấp đất cho gia đình bà, còn nguyên nhân tại sao chưa cấp thì bà không nắm được.
Gia đình bà đã làm đơn gửi đến các cơ quan từ huyện đến tỉnh, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Bà Lê Thị Thu cho biết vợ chồng bà đã phải vay lãi ngày để có đủ tiền trả tiền đất trúng đấu giá, thậm chí khi chậm nộp tiền còn bị phạt, nhưng khi tiền nộp xong đã 6 năm vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.
Ngày 20/7/2020, PV Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Hoàng Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương về những tồn tại trong vụ đấu giá đất tại xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương
Ông Hoàng Duy Hưng – Phó Chủ tịch huyện Phú Lương cho biết, hiện nay huyện đang tập trung giải quyết vụ việc. Trước mắt là giao cho chính quyền cơ sở vận động gia đình đang chiếm giữ đất nhanh chóng trả lại mặt bằng. Đồng thời, huyện cũng sẽ khẩn trương hoàn tất các văn bản, thủ tục về mặt pháp lý.
Nếu sau quá trình vận động mà gia đình vi phạm vẫn không trao trả mặt bằng để huyện bàn giao đất cho các hộ dân đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
-
Thái Nguyên: Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 21/7, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra các giải pháp tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt hiệu quả.
-
Công ty thép 66 năm tuổi, là chủ đầu tư dự án gang thép 8.100 tỷ tại Thái Nguyên liên tiếp thua lỗ, tiền mặt còn chưa tới 2 tỷ
Thành lập năm 1959, Gang thép Thái Nguyên được coi là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn được chú ý khi là chủ đầu tư dự án Tisco 2 với tổng vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng....
-
Dự án khu công nghiệp của Viglacera được tăng vốn đầu tư thêm gần 600 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 223 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, diện tích 250ha, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên....
-
Thái Nguyên trao chứng nhận đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng cho Tập đoàn BMK
Sáng 20/1, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Bình 3.