Trước đó, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, 2 tuần nay Công ty CP gốm xây dựng Đại Thắng bị đình trệ sản xuất do bị người dân chặn cổng, để đòi hỏi quyền lợi liên quan đến đất đã thu hồi, chuyển nhượng từ năm 2005.
Sau khi có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Đại Thắng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều kiến nghị của người dân thôn Nẽ Châu và thôn Ngũ Lão xã Hòa Bình (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), rằng có sự mập mờ, đánh lừa từ phía chính quyền trong việc vận động nhân dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp từ năm 2005 đến năm 2013.
Người dân bức xúc ra chặn cổng doanh nghiệp
Theo người dân 2 thôn này, họ chỉ cho doanh nghiệp thuê đất từ năm 2005 đến năm 2013, sau năm 2013 doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng phải thỏa thuận lại với người dân. Nhưng đến hết năm 2013, không thấy doanh nghiệp, chính quyền có động tĩnh gì với việc đã cam kết nên hàng trăm người dân thôn Nẽ Châu và Ngũ Lão đã tiến hành kiến nghị để đòi hỏi quyền lợi của mình.
Ông Nguyễn Văn Thiểm – Thôn Nẽ Châu (đại diện cho các hộ dân) cho biết, vào thời điểm năm 2005 chính quyền xã và thôn đã tổ chức họp thôn với nội dung chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp cho Công ty Đại Thắng triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch lát và ngói cao cấp. Trong biên bản do xã và thôn lập với người dân thể hiện, người dân nhất trí với giá 10,5 triệu đồng/sào trong thời hạn 8 năm (đến hết năm 2013).
Xem thêm: Bds Thái Bình
"Như vậy theo lý thì đến hết năm 2013 doanh nghiệp tiếp tục sử dụng đất phải thỏa thuận lại với người dân. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian thỏa thuận nhiều năm nhưng doanh nghiệp và chính quyền vẫn không có động thái gì. Thậm chí còn “ậm ờ” không muốn giải quyết. Trong khi đó, để thực hiện dự án này, 93 hộ dân thôn Nẽ Châu và 51 hộ dân thôn Ngũ Lão đã phải nhường đất lúa quỹ 1, quỹ 2 cho doanh nghiệp" - ông Thiểm nói.
Sau 6 năm ròng rã kiến nghị, đến tháng 3/2019 (sau 13 năm 14 ngày) người dân thôn Nẽ Châu và thôn Ngũ Lão bàng hoàng nhận được câu trả lời rằng đất đã được UBND tỉnh Thái Bình thu hồi tại Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 2/3/2006. Và đến lúc này, sau rất nhiều bức xúc của người dân thì hàng loạt những văn bản giấy tờ thể hiện việc thu hồi, việc chấp thuận của người dân bằng đơn xin trả lại ruộng, việc giao đất cho doanh nghiệp… mới được UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Hòa Bình đưa ra.
Những lá đơn trả ruộng không phải do người dân ký
Làm việc với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, 100% các hộ dân này đều khẳng định họ không hề được biết những văn bản trên vào thời điểm đó. Họ không làm đơn hay ký vào những lá đơn xin trả lại ruộng mà xã cung cấp. Họ nghi ngờ rằng chữ ký của họ trên những tờ đơn là giả mạo để hợp thức việc thu hồi đất không đúng quy định.
Để khẳng định những ý kiến của mình là đúng, người dân đã cung cấp cho báo chí văn bản số 58/TTCNTT-DLLT ngày 1/10/2019 của Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyền và Môi trường (TNMT) Thái Bình về việc cung cấp hồ sơ tài liệu cho ông Nguyễn Văn Thiểm. Văn bản này khẳng định, trong hồ sơ thuê đất của Công ty Đại Thắng tại Sở TNMT không có đơn tình nguyện trả lại ruộng và biên bản họp thôn?
Người dân bức xúc, cung cấp thông tin cho báo chí
Ông Thiểm cho biết thêm, năm 2005 chúng tôi không hề được biết đến đơn xin trả lại ruộng, phải đến khi chúng tôi ra chặn cổng Công ty Đại Thắng thì chính quyền mới đưa ra để phủ nhận quyền lợi của chúng tôi.
"Đến 80% số đơn xin trả lại ruộng được UBND xã Hòa Bình cung cấp cho chúng tôi đều không có ngày tháng, chữ ký của lãnh đạo xã được ký đè lên con dấu. Thậm chí, một số người đã mất những năm trước đó, như ông: Đặng Cao Sầm đã mất năm 2001, ông Lê Văn Ảnh đã mất năm 1998… vẫn có chữ ký vào đơn năm 2005. Rõ ràng trong sự việc này còn rất nhiều khuất tất" – ông Thiểm Bức xúc.
Cùng tâm trạng bức xúc như ông Thiểm, như bao người dân xã Hòa Bình khác có đất cho doanh nghiệp thuê, ông Nguyễn Mạnh Cần – Thôn Nẽ Châu cho biết, chính quyền địa phương vào thời điểm đó đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và đưa ra những quyết định và thông tin thiếu minh bạch.
"Đó là lỗi của cán bộ xã đã nhận thức sai pháp luật, vậy chính quyền phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt người dân phải chịu thiệt thòi vì lỗi không biết. Chúng tôi chỉ biết đất của mình cho thuê 8 năm. Bây giờ chúng tôi không biết trông chờ vào ai nữa cả, lên xã thì xã đẩy lên huyện, lên huyện thì huyện lại đẩy về xã và Sở TNMT.
Đến nay chúng tôi đã kiệt sức rồi, đất thì mất, cực chẳng đã chúng tôi mới ra chặn cổng doanh nghiệp, chúng tôi chỉ muốn đòi lại công bằng là trả lại quyền lợi chính đáng của mình. Chúng tôi chỉ mong muốn các cấp chính quyền có câu trả lời thỏa đáng trước những nghi vấn và thắc mắc của người dân” - ông Cần ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Quốc Trung – Giám đốc Công ty Đại Thắng cho biết, nếu tình hình này tiếp tục tái diễn chỉ trong 2 – 3 ngày nữa, có khả năng doanh nghiệp sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động của nhà máy vì hết phối liệu (hiện công ty vẫn đang sản xuất cầm chừng). Đến lúc đó, buộc công ty phải cho công nhân nghỉ việc và không thể đảm bảo được các nghĩa vụ thanh toán với nhà nước, khách hàng, ngân hàng… Mức độ thiệt hại sẽ là rất lớn đối với doanh nghiệp.
Chính sự mập mờ trong thu hồi đất, giao đất đã đẩy doanh nghiệp và người dân vào thế đối đầu. Rõ ràng, trong trường hợp này người dân cũng khổ mà doanh nghiệp cũng chẳng sung sướng gì. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình nên sớm có động thái đưa ra hướng giải quyết xác đáng nhất để đảm bảo quyền lợi hài hòa cho doanh nghiệp và cho người dân.
-
Khởi công nhà máy gần 1.300 tỷ đồng tại Thái Bình
Ngày 26/11, tại Cụm Công nghiệp Quý Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Công ty TNHH Sợi Golden Eagle Việt Nam đã động thổ nhà máy sản xuất sợi gai, cung cấp việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương....
-
Thái Bình sắp có khu công nghiệp 3.800 tỷ đồng, cần đến 18.000 lao động
Tỉnh Thái Bình đang tích cực triển khai thủ tục để khởi động dự án Khu công nghiệp Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 3.800 tỷ đồng. Đây là khu công nghiệp chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam....
-
Dự án nhiệt điện gần 2 tỷ USD tại Thái Bình sắp khởi công, dự kiến nộp ngân sách gần bằng nhà máy VinFast
Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình được xây dựng tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy với công suất khoảng 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Khi hoàn thành, dự kiến mỗi năm nhà máy nộp ngân sách 4.000 tỷ đồng....