Năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với những dự báo về khó khăn thách thức trong năm nay, để đạt được “mục tiêu kép” này là vấn đề không đơn giản, nhất là việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn con số 6,8% của năm 2012.

Có thể điểm ngay ra được nhiều tồn tại, thách thức đối với nền kinh tế trong năm 2013. Trước hết, sản xuất công nghiệp và xây dựng dù có sự cải thiện tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước, tăng trưởng GDP năm 2012 vẫn ở mức thấp, chỉ tăng 5,03% so với năm 2011, thấp hơn mức tăng của năm 2009.

Điều đáng lưu ý là dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như hỗ trợ tín dụng… nhưng tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản vẫn giảm với mức đóng góp rất khiêm tốn 0,44% vào mức tăng trưởng chung.

Tình trạng giảm sút trong sản xuất biểu hiện rõ nhất trong ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp. Thị trường bất động sản đóng băng cùng với việc cắt giảm đầu tư công đã kéo theo sự giảm tốc của ngành xây dựng. Không như các năm trước tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt trên 10%, trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm 5,4% và chỉ được cải thiện nhờ vào tăng đầu tư xây dựng cơ bản trong 6 tháng cuối năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP thấp ở quanh mức 4,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,5% của năm 2011. Hàng tồn kho dù có giảm dần từ mức cao nhất 34,9% tại thời điểm tháng 3-2012, xuống mức 20,1% trong những tháng cuối năm nhưng mức tồn kho bình quân trong cả năm ở mức khá cao, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp sản xuất ở quy mô đáng kể.

Một “điểm nghẽn” khác là nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đánh giá ở mức cao, gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Một khi vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm, những giải pháp chính sách tiền tệ như hạ lãi suất huy động và cho vay… sẽ khó đem lại hiệu quả cao trong năm 2013.

Từ thực tế trên, để đạt được “mục tiêu kép” trong năm 2013, chính sách tài khóa - tiền tệ cần được tiếp tục điều hành một cách thận trọng, chặt chẽ nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế. Những chính sách kinh tế năm 2013 cần được điều hành theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, có thể xem xét việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Hiện tổng cầu của nền kinh tế còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 không lớn. Thực tế cho thấy trong khi cung tiền M2 tăng khá mạnh, lạm phát năm 2012 vẫn được kiểm soát khá tốt. Phân tích cụ thể về những yếu tố cơ sở để hạ lãi suất: nếu đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 là 6% thì dư địa hạ lãi suất trong năm tới có thể được nới rộng.

Hơn nữa, nếu xét về tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới (tại Hoa Kỳ khoảng 0-0,25%/năm), việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ vẫn đảm bảo được chênh lệch lãi suất mà không gây ra áp lực tỷ giá trong năm 2013.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít khả năng việc hạ lãi suất sẽ gây ra tình trạng rút tiền tại ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác, do đó tốc độ tăng tiền gửi và thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ được đảm bảo.

Một vấn đề khác là cần khai thác mọi nguồn vốn để đảm bảo tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đề ra. Bổ sung vốn đầu tư trái phiếu chính phủ cao hơn so với năm trước, tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của các ngành nghề có liên quan đến xây dựng - bất động sản, tạo tác động lan tỏa kích cầu để kinh tế sớm hồi phục.

Đặc biệt, cần khẩn trương đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian sớm nhất nhằm khắc phục điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ổn định thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng, từ đó khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của thị trường liên ngân hàng.

Đẩy mạnh triển khai trên thực tế tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, kết hợp cải cách hành chính nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.