06/04/2018 8:31 AM
Nhà ở thuộc quy hoạch “treo” chỉ được cấp phép tạm, phải cam kết tháo dỡ không bồi thường, không được hoàn công cấp giấy.

Giấy phép xây dựng (GPXD) tạm được cấp cho người có nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch “treo” nhằm giảm bớt thiệt thòi cho họ. Tuy nhiên, phải cam kết nhà tháo dỡ không bồi thường, công trình không được cấp giấy khiến chủ nhà tuy được xây nhà nhưng vẫn mất ăn mất ngủ.

Nhà tạm giá tiền tỉ

Năm 2016, ông Ngô Văn Thực mua được căn nhà 68 m2 ở hẻm 49 Trần Văn Đang, quận 3, TP.HCM với giá hơn 5 tỉ đồng. Theo thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhà thuộc “lộ giới tuyến Bắc Nam dự phóng 60 m theo quyết định phê duyệt năm 1999 của TP”.

Muốn xây lại nhà, ông Thực xin phép xây dựng và được hướng dẫn phải đến UBND phường làm cam kết tháo dỡ nhà không đòi bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch để nộp kèm hồ sơ. Theo GPXD “cải tạo sửa chữa có thời hạn” do UBND quận 3 cấp cho ông Thực, nhà được xây thêm tầng hai, ba. Trong GPXD nói rõ “chủ đầu tư phải tự phá bỏ công trình, không được đòi bồi thường phần công trình xây dựng theo GPXD có thời hạn khi Nhà nước thực hiện quy hoạch theo thời gian ghi trong giấy phép”.

Chưa hết, GPXD còn ghi chú “thời hạn sử dụng công trình đến ngày 1-7-2018” khiến ông vô cùng hoang mang. “Sau ngày này thì công trình của tôi không còn được sử dụng hay sao?” - ông thắc mắc. Ông Thực đã xây nhà xong với quy mô ba tầng khá khang trang hơn cả tỉ đồng nhưng lo lắng không yên vì “số phận” căn nhà không biết ra sao. Ông cho hay chỉ mong muốn nhà được hoàn công cấp giấy để yên tâm phần nào.

Nhà ở thuộc quy hoạch “treo” chỉ được cấp phép tạm, phải cam kết tháo dỡ không bồi thường, không được hoàn công cấp giấy. Ảnh minh họa: Hoàng Giang

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Minh vừa mua căn nhà trong hẻm đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh hơn 4 tỉ đồng. Trong giấy chứng nhận ghi thông tin “vị trí nhà đất thuộc khu dân cư hỗn hợp (hiện hữu cải tạo kết hợp thương mại dịch vụ) và đường giao thông theo quy hoạch được quận duyệt năm 2010”. Mua xong ông mang hồ sơ đến quận xin phép xây dựng thì tá hỏa trước thông tin: Theo quy định tại Quyết định 26/2017 của TP về cấp phép xây dựng thì trường hợp này “chỉ được cấp phép xây dựng tạm, quy mô tối đa ba tầng”. Nhà được cấp phép tạm nên sẽ không được hoàn công, không được bồi thường khi giải tỏa.

Ông Minh cho hay nhà hiện nay không ở được nhưng xây mới thì ông vô cùng hoang mang vì phải thêm cả tỉ đồng nữa trong khi nhà không được hoàn công, đập bỏ không bồi thường khi mở đường. “Mua phải nhà quy hoạch đã quá đau khổ, giờ lại mang thêm cái ách “công trình tạm không được bồi thường”. Tôi hỏi mấy ngân hàng đều lắc đầu không cho vay vì sợ rủi ro” - ông Minh than thở. Ông Minh cũng cho rằng nếu công trình tạm được cấp giấy thì cũng an ủi phần nào cho người dân rất bị thiệt thòi khi nhà bị quy hoạch.

Sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận

Giải thích ý nghĩa câu ghi chú trong GPXD tạm về “thời hạn sử dụng của công trình”, trưởng phòng quản lý đô thị một quận cho hay đó là thời gian thực hiện theo quy hoạch phân khu được duyệt. Nhà được cấp phép xây dựng tạm do thuộc quy hoạch này nên chỉ được tồn tại theo thời hạn thực hiện quy hoạch.

Vậy sau thời gian này nếu quy hoạch chưa thực hiện thì số phận công trình tạm được giải quyết ra sao? Vị này cho hay theo quy định của Luật Xây dựng thì hết thời gian này (chẳng hạn sau ngày 1-8-2018 với trường hợp ông Thực ở quận 3) thì người dân phải xin gia hạn GPXD. Tuy nhiên, thủ tục như thế nào, gia hạn được bao lâu thì ông nhìn nhận “vẫn chưa rõ, trên thực tế chưa từng thấy trường hợp nào đến xin gia hạn sau khi hết thời hạn được nêu trong GPXD”.

Về việc yêu cầu người dân phải cam kết công trình tháo dỡ không bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch (trong khi Quyết định 26/2017 không đề cập), ông cho hay lý do trong thành phần hồ sơ xin cấp phép xây dựng tạm của Sở có mẫu đơn này.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay Quyết định 26 về cấp phép xây dựng được soạn thảo phải phù hợp quy định của Luật Xây dựng 2014 về cấp phép xây dựng tạm, không đề cập việc được bồi thường như Quyết định 27/2014. Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay quan điểm của ông là công trình tạm vẫn phải được cấp giấy chứng nhận, được bồi thường nếu sau một thời hạn nhất định quy hoạch không triển khai. Theo ông, đó là quyền lợi chính đáng của người dân, cần phải được tháo gỡ. “Sở Xây dựng đã có kiến nghị việc cấp giấy chứng nhận cho công trình tạm nhưng việc này lại thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường” - ông Tuấn cho hay.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP, cho hay Sở Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc họp về việc xem xét cấp giấy chứng nhận cho công trình tạm. Theo đó, Sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP rà soát, báo cáo hướng giải quyết cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp được cấp phép tạm. “Văn phòng Đăng ký đất đai TP đang tổng hợp, chia thành các trường hợp với những điều kiện cụ thể để được cấp giấy. Chủ trương là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân. Nếu không cấp được giấy chứng nhận thì cũng ghi nhận công trình xây dựng để làm căn cứ cho người dân được xem xét bồi thường sau này” - ông cho hay.

Cẩm Tú (Pháp Luật)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.