Ông Dominic Scriven cho biết: "Có một quy luật trong đầu tư là một nước mà món ăn không ngon thì không nên đầu tư".
TGĐ Dragon Capital chia sẻ kinh nghiệm đầu tư

Món ăn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định đầu tư

Ông thấy các món ăn ở Việt Nam thế nào?

Món ăn ở Việt Nam rất ngon. Có một quy luật trong đầu tư là một nước mà món ăn không ngon thì không nên đầu tư. Tôi không giải thích được tại sao nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy một đất nước mà món ăn không ngon thì đầu tư sẽ không có lợi.


Điều đó cũng hơi lạ khi mà ngược lại thì các nước có món ăn ngon thì không có nghĩa là đầu tư vào đó là có lợi.


Món ăn nào của Việt Nam khiến ông “mê” nhất?


Các món kho tộ như cá kho tộ, nấm kho tộ; các món xào xả ớt; đặc biệt nhất là món phở.


Nếu như có một thương hiệu nào đó của Việt Nam cần công ty ông đầu tư vào để nâng tầm trở thành thương hiệu quốc gia và vươn ra thị trường quốc tế ông có làm được không?


Nói thật đây là một khó khăn của Việt Nam, mặc dù có nhiều thế mạnh như: Đứng đầu thế giới về hạt tiêu, thứ nhì về gạo và cà phê, nằm trong top 5 nước sản xuất thủy sản mạnh nhất thế giới nhưng lại không có thương hiệu nào là của Việt Nam mang tính chất quốc gia.


Bài toán về tạo giá trị gia tăng cho các mặt hàng truyền thống của Việt Nam là một chủ đề thú vị nhưng vô cùng khó. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đang gặp phải (Trung Quốc). Do đó, tôi nghĩ là mình không tự tin.


So với một Dominic của cách đây 20 năm (khi mới đặt chân đến Việt Nam) thì ông thấy hiện tại cách sống của mình có khác nhiều không?


Già hơn và chậm hơn (cười). Việt Nam đã dạy cho tôi tính kiên nhẫn và đặc biệt là đức tính đừng bao giờ nói không vì lúc nào cũng có thêm một phương án.


Làm Quỹ là phải xem khách hàng là thượng đế


Nếu Dragon Capital bị phá sản thì ông có còn ý định gắn bó với mảnh đất Việt Nam nữa không?


Chắc chắn là có. Nhưng tôi tin rằng quỹ của mình đầu tư sẽ không bị phá sản. Chúng tôi đã bị một áp lực rất lớn vào năm ngoái (2010). Các cổ đông và quỹ đã không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề quyền lợi - đó là xu thế chung trên toàn cầu sau mỗi đợt khủng khoảng.


Dragon Captial đã nhận ra điều đó khá sớm nên đã có sự tiếp xúc với từng nhà đầu tư để tìm hiểu và đi đến tiếng nói chung.


Tất nhiên không phải quyền lợi của cổ đông nào cũng được đáp ứng tối đa nên đã có trường hợp một số cổ đông đã rút vốn nhưng phần lớn những cổ đông còn lại sẽ là những người gắn bó mật thiết và lâu dài với Dragon Captial.


Cụ thể là quyền lợi đó được đảm bảo như thế nào?


Khi tham gia vào quỹ hầu hết tâm lý các nhà đầu tư đều không thích vốn của mình bị “om” quá lâu, đó cũng là nguyên nhân khiến dễ xảy ra mâu thuẫn giữa quỹ và các cổ đông. Dragon Captial hiểu điều đó nên đã đưa ra quy định sau 2 năm cổ đông có quyền thanh lý khoản đầu tư của mình.


Sau một thời gian thực hiện, chúng tôi thấy rằng quyết định đó là hoàn toàn đúng đắn. Kinh doanh quỹ cũng phải xem các khách hàng của mình như thượng đế, muốn làm ăn được lâu dài với nhau thì phải tôn trọng và đảm bảo được quyền lợi cho cả hai.


Nói như thế thì dường như để tồn tại thì mô hình quỹ mở cần sớm được ra đời ở Việt Nam, thưa ông?


Đúng thế. Trên thế giới quỹ đóng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ còn hầu hết là quỹ mở. Ở Việt Nam sở dĩ chưa cho phép quỹ mở hoạt động là do cơ cấu thị trường và mức độ thanh khoản, cũng như những khó khăn xoay quanh vấn đề đánh giá giá trị cổ phiếu... khiến cho vấn đề cho phép quỹ mở được hoạt động đã không quá dễ dàng như nhiều người nghĩ.


Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại hoạt động của quỹ ETF - quỹ đầu tư chỉ số (hiện tại, có 2 quỹ ETF đang đầu tư chủ yếu tại thị trường chứng khoán Việt Nam là FTSE Vietnam Index ETF thuộc Deutsche Bank và The Market Vector Vietnam ETF – PV) thì đó chẳng qua cũng là một hình thức của quỹ mở.


Nhìn TTCK thời gian gần đây thì nhiều người cho rằng, chính điều hạn chế của quỹ đóng đang là “cứu cánh” cho các công ty quản lý quỹ vì nếu quỹ mở được phép hoạt động thì số lượng nhà đầu tư rút vốn sẽ rất nhiều. Ông có cho đó là một quan điểm đúng?


Đó là một suy nghĩ sai lầm. Làm ăn không thể “chói chân” nhau như thế được. Vấn đề cần phải xem xét hiện nay là tỷ lệ chiết khấu của cao của các quỹ đang khá cao đã làm cho lợi thế cạnh tranh trở nên khó khăn hơn khi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.


Tỷ lệ chiết khấu này nên hạ xuống đi kèm với đó là sớm cho phép loại hình quỹ mở để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư – đó mới là thị trường.


Nếu có thể chọn lại ông có chọn nghề quỹ hiện nay không?


Thời gian không thể quay trở lại nhưng nếu được sống ở một khiếp khác thì phải chọn một ngành nghề khác vì nếu vẫn làm lại công việc cũ thì sẽ rất nhàm chán.

Theo Chí Thành – Thanh Hải (Cafef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh