19/04/2013 6:25 PM
Ông Leon Cheneval, Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá bất động sản tỏ ra dè dặt với chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Ông Leon Cheneval, Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá bất động sản cho biết, bản thân ông và những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam sẽ rất thận trọng với việc mua nhà ở tại Việt Nam.

Ông Leon Cheneval, Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá

Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Leon, là do chính sách về sở hữu đất đai tại Việt Nam chưa rõ ràng, việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Sẽ rất khó để thuyết phục người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam, nếu họ không có quyền sở hữu và chuyển nhượng, trong khi tại phần lớn các quốc gia khác, những quyền này là đương nhiên.
Thứ hai, lý do cũng hết sức quan trọng, là giá bất động sản tại các thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP.HCM - nơi có nhiều người nước ngoài sống và làm việc là rất cao, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia lân cận như: Thái Lan (6,3 lần), Singapore (5,2 lần). Điều này khiến hầu hết người nước ngoài sống tại Việt Nam lựa chọn giải pháp thuê nhà thay vì mua nhà.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE, một người có hàng chục năm kinh nghiệm tại thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam là một ý tưởng tốt với nền kinh tế. Tuy nhiên, ý tưởng này chỉ có thể xảy ra trong tương lai trung hạn, khi chính sách quản lý đất đai tại Việt Nam được điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần sớm “nới lỏng” thậm chí là “dỡ bỏ” hẳn những rào cản trong việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Chính phủ nên làm một cách dứt khoát, bởi nếu không làm năm nay thì chắc chắn các năm sau cũng sẽ phải làm. Giống như việc ban đầu khi nghe tới việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chúng ta lắc, bây giờ thì đã gật đầu chấp thuận nhưng lại mới gật đầu nửa chừng.

“Giải pháp cuối cùng vẫn phải chấp thuận thì tại sao lại không làm sớm?”, ông Liêm nói.
Cũng đồng tình với quan điểm nên cởi mở hơn trong việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Cao Sĩ Kiêm cho rằng, Nhà nước nên sớm có chính sách cụ thể để thông tin tới đối tượng người nước ngoài đang có nhu cầu mua nhà để ở tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam đang được Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà, một mặt giúp tiêu thụ được những sản phẩm bất động sản, nhưng mặt khác thị trường lao động cũng được hưởng lợi khi người lao động có việc làm.

“Bộ Xây dựng đang xây dựng chủ trương này, sau đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong năm 2013”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Thị trường bất động sản quý I/2013 tiếp tục chứng kiến sự thất vọng của giới đầu tư khi giá bán tiếp tục giảm sút. Nguồn cung nhà ở giảm 22% so với quý IV/2012. Tại thị trường sơ cấp, 95% số căn hộ chào bán mới có giá chào bán dưới 21 triệu đồng/m2 (so với 26% số căn hộ chào bán dưới mức giá này trong quý I/2012).

Một số chủ đầu tư tiếp tục chào bán tại các căn còn tồn với mức giá được điều chỉnh xuống, có những dự án bị nghi ngờ đã giảm tới 50% so với giá chào bán ban đầu. Tại thị trường thứ cấp, giá chào bán trung bình giảm 2,8% so với quý IV/2012. Một số căn hộ được chào bán ở mức giá cắt lỗ sâu, đặc biệt là với phân khúc bất động sản cao cấp do phân khúc này thiếu tính thanh khoản nhất.

Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong 5 năm vừa qua, mới chỉ có 400 người nước ngoài mua được nhà, trong khi cả nước có gần trăm ngàn người nước ngoài sinh sống, làm việc và có nhu cầu ở đối với hàng triệu mét vuông nhà ở.

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.