21/01/2013 5:05 PM
Sau khi Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hà Nội và TPHCM, công bố một số chính sách hỗ trợ người mua nhà, nhất là sau khi Nghị quyết 02 ban hành, thị trường BĐS có những tín hiệu tốt. Tuy vậy, để thực sự hồi sinh thị trường BĐS, các giải pháp này cần được triển khai một cách đồng bộ.

Mở cho nhiều nguồn vốn chảy vào

Tại hội thảo “Thị trường BĐS phía Nam - Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng”, các đại biểu cho rằng sự đóng băng của hoạt động kinh doanh BĐS có nhiều điểm nghẽn như mất cân đối cung cầu, vốn cho kinh doanh, nợ và các khó khăn trong giải quyết nợ BĐS... Trong đó, nổi cộm hiện nay là vốn và cơ hội tiếp cận vốn.

Cần sớm triển khai những chính sách để giải cứu thị trường BĐS.


Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, các chính sách cần thực hiện ngay gồm lãi suất cho vay tiếp tục giảm về mức 8-10%/năm; nghiên cứu việc quy định các ngân hàng thương mại dành 3-5% tổng dư nợ hàng năm cho phát triển nhà ở xã hội, có chính sách giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có lượng sản phẩm tồn liên quan đến BĐS và xây dựng lớn có xuất xứ sản xuất trong nước; giãn tiến độ nộp 2 loại thuế trên từ 6-12 tháng, không đánh thuế 2 lần với mô hình quỹ đầu tư BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng để thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ cần có gói tín dụng lâu dài cho người mua BĐS, lãi suất dành cho người tiêu dùng ở mức 7-8%/năm.

Đây đã là giải pháp tài chính do Chính phủ chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện. Ông cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn, giảm dần lượng sản phẩm tồn kho trên thị trường, giúp cơ cấu lại nợ xấu. Theo đó, cần có các nguồn cung cấp vốn mới như Quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tiết kiệm nhà ở... để thị trường minh bạch, cạnh tranh thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Nói về kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp BĐS, ông Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc huy động các nguồn vốn từ tất cả các chủ thể trong nền kinh tế vẫn là yêu cầu hàng đầu trong việc quản lý và phát triển thị trường BĐS.

Tuy nhiên, có nhiều giải pháp cần được triển khai một cách đồng bộ, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp như chính quy hóa thị trường, kỷ luật thông tin thị trường cần phải được nâng cao; triển khai nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường thế chấp thứ cấp; quỹ tiết kiệm BĐS cần sớm thành lập…

Triển khai ngay Nghị quyết 02

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Danh, Ngân hàng Nhà nước cần sớm triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là việc hỗ trợ lãi suất vay cho người có thu nhập thấp (cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang…) khi mua nhà. Nếu làm được điều này vừa hỗ trợ người dân mua được nhà, vừa thực hiện được mục tiêu “phá băng” BĐS.

Quỹ tiết kiệm BĐS cần sớm ra đời, trước mắt ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Kết hợp với việc cho ra đời các quỹ đầu tư tín dụng BĐS bằng các văn bản pháp quy là hết sức cần thiết. 2 hệ thống này sẽ phối hợp nhau để phục vụ các nhóm chủ thể khác nhau. Quỹ đầu tư tín thác sẽ phục vụ các chủ thể có nguồn tài chính tạm có, có mong muốn đầu tư BĐS như một kênh đầu tư; Quỹ tiết kiệm BĐS sẽ phù hợp hơn với những nhóm chủ thể có nguồn tài chính hạn hẹp nhưng mong muốn có nhà để ở.

Ông TRẦN KIM CHUNG,
Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Theo TS. Trần Du Lịch, những giải pháp căn bản hỗ trợ thị trường BĐS đã được đề cập trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, vấn đề còn lại là làm sao triển khai sớm. Nghị quyết đã hướng đến hỗ trợ những người mua nhà có giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2.

Như vậy, các chính sách hỗ trợ làm sao tập trung vào phân khúc nhà phổ thông có giá khoảng 1 tỷ đồng. Khi đó, các doanh nghiệp khác phải hướng đến xây dựng loại nhà này để được hưởng hỗ trợ về thuế, ưu đãi tín dụng cho người mua.

“Nếu làm được điều này, thị trường BĐS hoàn toàn có khả năng ấm lại trong năm 2013, từ đó tự điều chỉnh để sau năm 2013 có thể phục hồi được” - TS. Trần Du Lịch nhận định.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ký với Bộ Xây dựng dành 30.000 tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội, trong đó 2/3 số tiền sẽ dành cho người mua nhà vay với lãi suất thấp. Số còn lại dành để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án.

Riêng gói tài chính 20.000-40.000 tỷ đồng của Nhà nước theo Nghị quyết 02, trong quý I-2013 Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước công bố với những tiêu chí cụ thể, những đối tượng nào được vay, vay bao nhiêu, lãi suất như thế nào.

Trong đó, nguồn vốn của Chính phủ sẽ được tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, với lãi suất khoảng 8%/năm.

Ngoài ra, chính sách về hỗ trợ 50% thuế VAT cho người mua nhà cũng sẽ sớm được công bố. VietinBank cũng vừa công bố gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành để những người có nhu cầu thực sự về nhà ở vay với lãi suất ưu đãi 12%/năm, trong 6 tháng đầu.

Nguyễn Phước
Sài Gòn đầu tư tài chính
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.