Thị trường dần trở về với giá trị thật, là thời điểm những ‘ung nhọt’ lộ ra và rất cần những liều kháng sinh đủ mạnh để chống viêm nhiễm lây lan.
Và dường như các ‘bác sĩ chuyên khoa’ cũng đang gấp rút tổ chức hội chẩn những căn bệnh thị trường!
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, năm 2014, Bộ dự kiến sẽ thành lập khoảng 59 đoàn thanh tra, tăng 34% so với năm 2013. Điều này cho thấy sự quyết liệt của cơ quan quản lý, đồng thời cũng chứng tỏ độ “nóng” sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng ngày càng tăng nhiệt.
Đầu năm 2014, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra tình hình dành và sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại một số dự án nhà ở và khu đô thị mới trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, có hàng loạt dự án trong tầm ngắm kiểm tra như Khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty Kinh doanh phát triển Nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng Thành phố giao lưu (Cầu Diễn, Cổ Nhuế, Hà Nội) của Tổng CPCP Đầu tư Vigeba; Khu đô thị mới Hạ Đình do CTCP Xây lắp điện nước làm chủ đầu tư; Dự án Tây Nam Linh Đàm do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư; Dự án Khu sinh thái Việt Hưng; Dự án Bắc An Khánh; Dự án đô thị Cổ Nhuế của Tập đoàn Nam Cường; Dự án đô thị Trung Văn...
Trong kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, lĩnh vực đất đai cũng sẽ được ‘soi’ rất kỹ. Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong danh sách 43 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong kế hoạch kiểm toán năm nay có những cái tên đình đám trong làng bất động sản như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera), Tổng CTCP Sông Hồng…
Lý giải việc tập trung vào lĩnh vực đất đai, vị Phó tổng Kiểm toán Nhà nước giải thích, đó là tài sản vô cùng quan trọng và có giá trị đặc biệt lớn của xã hội, cũng như của từng người dân. Nó có thể là cội nguồn cơ bản gây ra nhiều bức xúc trong xã hội nếu những sai phạm không được xử lý đúng mức.
“Chính vì vậy, năm 2014, chúng tôi xác định, việc kiểm toán chuyên đề về quản lý, sử dụng và thu tiền sử dụng đất là nội dung xuyên suốt ‘bắt buộc’ trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại 14 bộ ngành, cơ quan Trung ương và 35 tỉnh, thành phố”, ông Khái nói và giải thích ý nghĩa của từ “bắt buộc” là bên cạnh việc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, cơ quan kiểm toán còn lồng ghép việc kiểm toán quản lý, sử dụng và thu tiền sử dụng đất. Đây là nội dung xuyên suốt tại tất cả các cuộc kiểm toán trong năm nay.
Có thể thấy, sự tác động lớn đến đời sống người dân cũng chính là lý do các cơ quan quản lý, thanh tra thị trường bất động sản tập trung “chẩn bệnh, bốc thuốc” cho thị trường này trong năm nay.
Một ngôi nhà, một mảnh đất thường là tài sản cả đời tích cóp của cả một gia đình. Những bức xúc, khiếu kiện của người dân nở rộ trong thời gian qua đa phần cũng bởi những tác động từ những điều mà họ cho là ‘khuất tất” của chủ đầu tư ảnh hưởng quá lớn đến bản thân họ và gia đình.
Hãy nhìn lại những bức xúc, khiếu kiện và tranh cãi xung quanh Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng về cách tính diện tích chung cư. Hàng loạt dự án đã xảy ra khiếu kiện vì ‘bài toán hai nghiệm’ đều đúng của Thông tư 16. Và mặc dù sau rất nhiều phản hồi từ các cấp, ngành, Bộ Xây dựng vẫn khẳng định mình không sai với quy định này, nhưng cuối cùng, một sự sửa đổi theo hướng tích cực cũng đã được đưa ra với Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 8/4 này…
Đã bắt đầu manh nha những tín hiệu ấm lại của thị trường nhà đất. Niềm tin của các bên cũng dần quay trở lại. Thị trường và đặc biệt là những người mua nhà - thường ở vị thế yếu hơn - đang rất trông chờ động thái soi rọi “khoảng mờ” của các cơ quan cầm cân nảy mực.
Đó cũng có thể là một nhân tố quan trọng góp phần vực dậy niềm tin!