Muôn hướng giải quyết
Bộ Xây dựng - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc giải cứu thị trường BĐS - đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nội dung ưu đãi trong Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà ở.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện các ưu đãi ngay trong năm 2013. Cụ thể, giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70m2 sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng cần gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 12 tháng. Ngoài ra, nhà ở xã hội được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra. Đồng thời cần áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất (10%) đối với thu nhập hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội.
Do phải trình Quốc hội ở kỳ họp tới là tháng 5-2013, nên các giải pháp trên không thể triển khai áp dụng ngay từ ngày 1-1-2013. Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho áp dụng trong 12 tháng để khuyến khích thị trường BĐS và nhà ở xã hội.
Trước đó, ngày 8-12, trong buổi làm việc với các đơn vị ngành Tài chính tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết đang xây dựng gói giải pháp tài khóa góp phần “phá băng” thị trường BĐS trong năm 2013.
Theo Bộ trưởng Huệ, kịch bản và các phương án của gói giải pháp về tài khóa góp phần “phá băng” cho thị trường BĐS trong năm 2013 đang được Bộ Tài chính cân nhắc, tính toán, cũng như khẩn trương hoàn thiện trước khi công bố chi tiết.
Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra trong năm 2013 nhằm tìm hướng đi BĐS.
Cụ thể, các nội dung của gói giải pháp nói trên sẽ tập trung vào việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở, doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Bên cạnh đó, để kích cầu thị trường, gói giải pháp tài khóa cũng sẽ nhắm đến việc hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở nhằm giúp thị trường BĐS từng bước phục hồi, giải quyết hàng tồn kho, giảm tỷ lệ nợ xấu, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ hàng hóa. Khi các nội dung chủ chốt của nhóm giải pháp nói trên hoàn thiện, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.
Không chỉ riêng các bộ, ngành lo lắng với tương lai của thị trường BĐS, các chuyên gia cũng hiến kế để khơi thông thị trường này. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi bản đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về 5 giải pháp phá băng thị trường BĐS.
Trong đó, giải pháp đầu tiên là người mua nhà trị giá dưới 2 tỷ đồng/căn được vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm cho 3 năm đầu, Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất khoảng 3-5%/năm. Giải pháp thứ 2, sẽ xây dựng quỹ nhà tái định cư dựa trên các dự án nhà ở thương mại. Giải pháp thứ ba, Ngân hàng Nhà nước nên hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 1%/năm, sau đó là 0%/năm...
Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa đề xuất thành lập công ty để xử lý tồn kho BĐS, hình thành thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp và giải quyết bài toán nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường.
Theo đó, công ty này có thể huy động và sử dụng vốn vay ODA. Ngoài ra, có thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để lấy vốn tái cho vay, mua lại các khoản cho vay nhà có kỳ hạn lên tới vài chục năm…
Liệu có cứu được thị trường?
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, giao dịch địa ốc tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều trầm lắng. Hà Nội chỉ có giao dịch tại những dự án sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào sử dụng. Khách hàng phần lớn là những người ngoại tỉnh, gia đình trẻ mua căn hộ nhỏ 60-100m2, giá 1,5-2,5 tỷ đồng, còn chung cư lớn ế ẩm.
Giá căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề tiếp tục hạ nhiệt, có trường hợp giảm 50% so với năm 2010 (thời điểm giá địa ốc lên cao), nhưng vẫn rất ít giao dịch. 6 tháng đầu năm 2012, do tác động tiêu cực từ sự đóng băng của thị trường BĐS, sản lượng sản xuất và nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng như gạch ốp lát, kính xây dựng đều giảm đáng kể. Tiêu biểu như gạch bê tông áp đang chật vật tìm thị trường tiêu thụ.
Cả nước có 9 nhà máy thì chỉ 2 nhà máy sản xuất cầm chừng, 7 nhà máy còn lại dừng sản xuất vì không tiêu thụ được hàng, tồn kho hơn 1 tỷ viên gạch. Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy tồn kho của thị trường BĐS hiện đang rất lớn.
Theo số liệu chưa đầy đủ của 44 tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 8-2012, thị trường BĐS đang tồn khoảng 16.000 căn hộ chung cư, trong đó hơn 8.000 căn hộ tồn kho tại TPHCM, trên 5.000 căn hộ tại Hà Nội, còn lại ở các địa phương khác. Ngoài ra, nhà ở thấp tầng cũng tồn kho hơn 5.000 căn; đất nền 1,6 triệu m2; văn phòng, trung tâm thương mại tồn kho hơn 25.800m2. Tổng giá trị tồn kho hơn 40.750 tỷ đồng.
Với những khó khăn đang chất chồng kể trên, nhiều chuyên gia nhận định, phải có một giải pháp tổng thể, bao gồm tất cả những đề xuất trên mới có thể nhanh chóng vực dậy thị trường BĐS. Tuy nhiên, giải pháp này cần phải thận trọng, có chọn lọc, bởi lẽ nếu làm không khéo sẽ dẫn đến tình cảnh thị trường BĐS tiếp tục sốt nóng, giá tăng cao, phát triển không lành mạnh như trước đây.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, có 3 vấn đề đã được nhìn nhận từ năm 2012 và ngay trong năm 2013 cần phải được giải quyết. Đó là giải quyết lượng BĐS tồn kho gắn với giải quyết nợ xấu; phát triển phân khúc nhà ở giá thấp làm ấm lại thị trường; các giải pháp hỗ trợ từ phía quản lý nhà nước.
Đến thời điểm này, khó vẫn hoàn khó khi lượng hàng hóa BĐS giá cao đang tồn kho hầu như vẫn còn nguyên, phân khúc nhà ở giá thấp đã được khởi động nhưng cung hầu như không đáng kể, các giải pháp từ phía quản lý nhà nước vẫn đang được thảo luận.
Chính vì vậy, hướng phát triển nào cho thị trường trong năm 2013, thị trường có thể khởi sắc được không, phụ thuộc rất nhiều vào việc Nhà nước sẽ gỡ khó khăn đang tồn tại ở thế “kiềng 3 chân” này ra sao.
-
Không chỉ gây bức xúc trong dư luận bởi sự lãng phí, các dự án bỏ hoang còn tiếp tục khiến Hà Nội “nhức đầu” khi nhiều chủ đầu tư lần lượt xin rút khỏi dự án, đồng nghĩa với đó, số lượng đất hoang trên địa bàn TP sẽ tiếp tục tăng cao. <br/br>
-
Bất động sản 2013: Khởi sắc hay tiếp tục trầm lắng?
CafeLand - Giá bất động sản liệu có tiếp tục giảm, thị trường bất động sản liệu có khởi sắc trong năm 2013 và làm thế nào để vượt khó trong thời gian tới là những vấn đề được quan tâm tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2013” do Công ty Cổ phần Tri thức Doanh nghiệp Quốc tế kết hợp với Ngân hàng Phương Đông tổ chức ngày 12/12 vừa qua.
-
Hà Nội thừa văn phòng 10 năm nữa
Với nguồn cung văn phòng dự kiến lên tới hơn 1 triệu m2, CBRE cho rằng, tỷ lệ trống tăng trong năm 2013 sẽ là điều "không tránh khỏi” và phải mất 10 năm Hà Nội mới "hấp thụ" hết nguồn cung kỷ lục này.