Một nhà máy sản xuất giấy của Siam tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei
Cụ thể, Siam cho biết, công ty sẽ mở một nhà máy xi măng ở thành phố Mawlamyine, của Myanmar, gần biên giới Thái Lan. Nhà máy này sẽ có công suất 1,8 triệu tấn/năm.
Mawlamyine nằm phía Đông và cách thủ đô Yangon khoảng 300 km. Vị trí này được xem như hành lang kinh tế, do đó việc phát triển nhà máy ở đây sẽ cung cấp vật liệu cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng dự kiến xây dựng một trung tâm sản xuất xi măng ở miền nam Lào vào năm tới.
Năm ngoái, tập đoàn cũng đã khởi công xây dựng nhà máy tại 2 nước khác trong khu vực là Campuchia và Indonesia.
Siam xác định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều nước trong khu vực ASEAN là bởi nhìn thấy được những tiềm năng phát triển, thị trường ở các nước này có thể sẽ mang về thu nhập quan trọng trong nguồn thu của tập đoàn.
Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn cho biết, doanh thu từ các nước ASEAN (không tính Thái Lan) chiếm 23% tổng doanh thu của tập đoàn trong quý 2/2016, mức cao nhất từ trước đến nay. Nhu cầu xi măng tăng chủ yếu là do hoạt động xây dựng các tòa nhà cao tầng và các dự án cơ sở hạ tầng. Trong đó, đáng chú ý là ở các nước như Lào, Campuchia và Myanmar.
Ngoài xi măng, SCG cũng đầu tư vào một số ngành khác trong khu vực.
Vào đầu năm nay, Siam mua cổ phần còn lại tại Tập đoàn chuyên sản xuất gạch men và ngói Prime của Việt Nam với giá khoảng 2,1 tỷ baht (gần 60 triệu USD). Việc này biến Prime trở thành công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của Siam.
Hay vào năm 2014, tập đoàn cũng đã mua lại Công ty sản xuất giấy Indoris của Indonesia.
Với việc mạnh tay đầu tư sang thị trường nước ngoài, hiện Siam có đến 15.000 người trong tổng số 50.000 nhân viên đang làm việc tại các nước bên ngoài Thái Lan và hầu hết là ở Đông Nam Á. Dự báo số lao động của tập đoàn ở các nước ASEAN sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.