22/04/2017 10:19 AM
Tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II… đang là áp lực lớn đè nặng lên nhiều ngân hàng.
Các ngân hàng khó có khả năng cải thiện nguồn vốn nhờ vào các nhà đầu tư nội địa
Ngân hàng đua tăng vốn
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngày 15/4 của Techcombank đã thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, từ mức 8.878 tỷ đồng hiện nay lên gần 14.000 tỷ đồng, bằng hình thức chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Tại ACB, ban lãnh đạo ngân hàng này trình cổ đông phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ đồng trong năm 2017, tức tăng gần 20%, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu, với số lượng tối đa là gần 98,6 triệu cổ phiếu. Tính đến cuối năm 2016, vốn điều lệ của ACB đạt 9.377 tỷ đồng và thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ dẫn đầu.
Hiện tại, VPBank có vốn điều lệ là 10.765 tỷ đồng, vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ thường niên 2017, cổ đông VPBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 14.000 tỷ đồng. Theo đó, VPBank sẽ cần bổ sung thêm khoảng 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Được biết, VPBank sẽ thực hiện 2 đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn: đợt 1, phát hành gần 329,4 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 14.000 tỷ đồng; đợt thứ 2, phát hành riêng lẻ tối đa 133,2 triệu cổ phiếu, với giá bán không thấp hơn giá trị sổ sách.
“Phần lợi nhuận sau thuế và Quỹ Đầu tư phát triển sau khi phân phối Quỹ Dự trữ bắt buộc của các công ty con sẽ được kết chuyển về VPBank. Tổng lợi nhuận và Quỹ Đầu tư phát triển năm 2016 được giữ lại để phân phối là 3.194 tỷ đồng sẽ được chuyển vào lợi nhuận để lại để tiếp tục phân phối theo quyết định của ĐHCĐ”, ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT VPBank cho biết.
Năm 2017, LienVietPostBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành 54 triệu cổ phần, trong đó 38,76 triệu cổ phần dùng để trả 6% cổ tức năm 2016 và 15,24 triệu cổ phần còn lại có thể được chào bán công khai, hoặc bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên của Ngân hàng.
Trong năm nay, OCB tiếp tục tiến trình tăng vốn của năm 2016 từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, mà trước đó do điều kiện thị trường khó khăn, ngành ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên rất khó kêu gọi vốn, khiến kế hoạch này chưa thể thực hiện. Theo đó, OCB sẽ phát hành 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối là hơn 194 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc là hơn 805 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ đông của Bac A Bank mới đây đã duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10%, đạt mức 5.500 tỷ đồng, bằng việc phát hành thêm cổ phần. Còn SCB hiện đang bổ sung hồ sơ và dự kiến trong năm nay sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng, đối tác ngoại vẫn sẽ là nguồn lực để SCB hoàn thành một trong những mục tiêu đặt ra trong lộ trình tái cơ cấu.
Nhiều lý do để tăng vốn
Một trong những lý do mà các ngân hàng đưa ra về việc tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay là nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực đầu tư phát triển hệ thống, mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường đầu tư…
Cụ thể, ông Bùi Hải Quân nói: “VPBank tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt, mà bằng cổ phiếu nhằm đáp ứng nguồn vốn trung-dài hạn, tiếp tục triển khai dự án trọng điểm Basel II nhằm thay đổi toàn diện hệ thống quản trị rủi ro, phục vụ hiệu quả nhất cho công tác triển khai kinh doanh trên cơ sở chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cũng như yêu cầu của cơ quan quản lý”.
Tương tự, lãnh đạo OCB cho biết, tăng vốn là để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số CAR, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, cũng như thực hiện mở rộng mạng lưới trong năm nay, song sóng với đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng tín dụng…
Không nằm ngoài “vòng quay” này, lãnh đạo Bac A Bank chia sẻ, việc tăng vốn nhằm đảm bảo tuân thủ và đáp ứng tốt các chỉ tiêu đảm bảo an toàn, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động, nâng cao năng lực tài chính để phục vụ đầu tư, cũng như khả năng mở rộng và phát triển mạng lưới, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tại ĐHCĐ 2017, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: “Việc tính toán CAR theo Basel II, nếu áp dụng ở điều kiện hiện nay thì VietinBank vẫn đạt trên 8%. Trong Thông tư 41/2015/TT-NHNN đã thông tin về lộ trình đối với các ngân hàng thương mại trong thời gian tới phải áp dụng các giải pháp: tăng vốn tự có phát hành trái phiếu thứ cấp, cổ phiếu, tái cơ cấu lại danh mục…, để trong mọi trường hợp phải đảm bảo CAR trên 8%”.
Tuy nhiên, báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, CAR của toàn hệ thống ước tính ở mức 11,3% (năm 2015 là 11,6%), còn tỷ lệ CAR theo quy định ở mức 8%. Vấn đề là áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 tổ chức tín dụng thí điểm cho thấy, hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo.
Đối với 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, CAR theo báo cáo đã gần chạm ngưỡng 9%, áp dụng Basel II thì giảm xuống dưới 8%. Nếu trong thời gian tới, nhóm ngân hàng này không tăng được vốn sẽ tác động mạnh tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm, cũng như toàn ngành.
Tăng vốn bằng “tiền tươi”: Không dễ!
Ông Trần Đình Vinh, Phó tổng giám đốc, Trưởng khối Dịch vụ Tài chính, KPMG Việt Nam nhận định, thách thức đối với các ngân hàng trong nước là sự thiếu hụt về các nguồn lực cần có để triển khai theo hướng dẫn Basel II. Có thể kể đến là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực cấp cao, đặc biệt là sự thiếu hụt về vốn để đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Basel II.
“Khó khăn trong việc huy động vốn, đặc biệt là vốn cấp 1, trong khi vốn cấp 2 từ các khoản nợ dài hạn trực thuộc được giới hạn ở mức 50% vốn cấp 1 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của tài sản rủi ro sẽ khiến các ngân hàng trong nước gặp khó khăn để đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong tương lai gần”, ông Vinh nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, câu chuyện tăng vốn hiện tại yêu cầu phải là vốn thật, “tiền tươi”, không thể là ảo hay vay mượn từ các tổ chức tín dụng. Dễ nhận thấy là các ngân hàng khó có khả năng cải thiện nguồn vốn nhờ vào các nhà đầu tư nội địa, bởi doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn không được phép đầu tư theo luật, trong khi các doanh nghiệp tư nhân cũng đang vật lộn với không ít khó khăn. Theo đó, việc nâng vốn chỉ có thể trông đợi từ nguồn bên ngoài.
Tuy vậy, câu chuyện này cũng không hề dễ dàng, bởi theo TS. Nghĩa, vấn đề là nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để đảm bảo vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, đồng thời theo thông lệ quốc tế, trên cơ sở đó mới đảm bảo được tính minh bạch, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quản trị và giám sát.
“Trong khi đó, với mức room như hiện nay, dễ hiểu khi nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư vào ngân hàng nội địa, đặc biệt là đối với những ngân hàng yếu, có nợ xấu lớn và đòi hỏi phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, hệ thống quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.