29/01/2013 7:44 AM
TP Hà Nội dự tính nới trần phí dịch vụ nhà chung cư lên gấp hơn 3 lần, từ mức cao nhất 4.000 đồng hiện hành lên mức tối đa 12.500 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, mức trần này vẫn thấp hơn mức thu của đơn vị quản lý một số khu chung cư cao cấp trên địa bàn.

Nếu thiếu công khai, minh bạch, dù có tăng giá trần phí dịch vụ, thì tranh chấp vẫn sẽ không giảm

Không muốn vẫn phải tăng trần

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Sở Xây dựng đang nghiên cứu mức phí dịch vụ nhà chung cư mới trên địa bàn thành phố, dự kiến thay thế cho mức trần hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-3 tới. Theo đó, mức cao nhất sẽ tăng gấp hơn 3 lần mức phí dịch vụ hiện tại (từ 2.400 đồng/m2 tới 4.000 đồng/m2). Cụ thể, nhà chung cư không có thang máy sẽ có mức phí dịch vụ thấp nhất là 480 đồng/m2/tháng, cao nhất là 4.500/m2/tháng, nhà chung cư có thang máy sẽ có mức phí dịch vụ cao nhất là 12.500 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 850 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, các mức giá này chưa bao gồm các dịch vụ cao cấp như tắm hơi, tennis, bể bơi...

Ghi nhận tình hình thực tế tại Hà Nội cho thấy, một số khu chung cư cao cấp hiện nay đã thu phí cao hơn mức trần 12.500 đồng/m2/tháng. Đơn cử, dự án Keangnam Landmark Tower hiện đang áp dụng mức phí 15.085 đồng/m2. Dù vậy, theo các chuyên gia, khoảng cách từ mức phí sàn tới mức trần khá rộng sẽ “gom” được phần đông các dự án chung cư trên toàn thành phố.

Dù là cơ quan đề xuất, song đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói thẳng: “Mỗi loại nhà khác nhau, với mỗi vị trí địa lý khác nhau, chất lượng, số lượng dịch vụ cung cấp khác nhau sẽ có các mức giá rất khác nhau. Nếu bắt ép tất cả vào một khung cứng là không phù hợp...”. Vì thế, UBND TP Hà Nội đã đề xuất Bộ Xây dựng cho bỏ phương án áp giá trần dịch vụ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã không đồng ý và yêu cầu Hà Nội kiên trì với phương án áp đặt khung giá cứng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, mỗi người phải chịu trách nhiệm về quyền sở hữu của mình. Do vậy, không nên giữ quan điểm bao cấp trong vấn đề phí dịch vụ nhà chung cư. Ông phân tích, việc Nhà nước bỏ tiền ra để bù cho chi phí quản lý chung cư là không hợp lý. Nhà nước chỉ nên bù cho những gia đình chính sách, hộ nghèo, chứ không thể bù cho mọi đối tượng, gồm cả những người có tiền mua nhà cao cấp. Phó Giám đốc Sở Xây dựng thẳng thắn: “Không phải chúng tôi đưa ra phương án mà Sở Xây dựng đã trình UBND TP để xin ý kiến Bộ Xây dựng cho áp dụng khung giá dịch vụ, có đơn giá, có dự toán. Nhà nước đưa ra khung giá, còn tần suất sử dụng dịch vụ như thế nào, chất lượng ra sao, các bên (người dân và đơn vị quản lý) căn cứ vào đơn giá để thỏa thuận”.

Nên để thị trường tự điều chỉnh

Bên cạnh đề xuất khung giá cứng, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn nhắc lại phương án không quy định khung giá dịch vụ nhà chung cư. Đây cũng là phương án mà Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiến nghị áp dụng. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc ban hành giá dịch vụ nhà chung cư để khống chế mức trần theo Nghị định 71/CP là không cần thiết, không phù hợp với quy luật thị trường. Đây là giao dịch dân sự về sử dụng dịch vụ nhà chung cư, do đó giá dịch vụ phải được thỏa thuận.

Đại diện Savills Hà Nội cũng đồng ý không nên đặt ra giá trần cụ thể bởi “chất lượng dịch vụ của tòa nhà sẽ do thị trường quyết định”. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty GP Invest cũng đề xuất, không nên quy định mức giá trần dịch vụ vì hiện nay cơ quan quản lý chưa phân loại được hạng nhà chung cư. Ý kiến từ một số cơ quan quản lý khác cũng cho rằng, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết những vấn đề thuộc về thị trường. Cách tốt nhất là nên đưa ra tiêu chí để tính giá chứ không nên đưa ra giá trần. Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội nói: “Dùng mệnh lệnh hành chính trong quan hệ dân sự là không nên. Nền kinh tế thị trường phải tuân theo quy luật thị trường...”.

Ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng Quản lý kinh tế (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay là nhiều chủ đầu tư chưa công khai, minh bạch trong việc quản lý giá dịch vụ. Người dân thắc mắc rất nhiều về việc phần diện tích thuộc sở hữu chung do chủ đầu tư quản lý, kinh doanh. Phần lớn không được hạch toán công khai, chưa được tính bù trừ vào giá dịch vụ. Không chỉ có tiền thuê mặt bằng, trong một chung cư, có rất nhiều khoản doanh thu có thể khai thác được nhưng bị chủ đầu tư lờ đi như quảng cáo, khai thác tiện ích chung... Đây là vấn đề phải tiếp tục được làm rõ trong thời gian tới, nếu không dù có tăng giá trần cao hơn nữa, tranh chấp, khiếu kiện vẫn kéo dài.

Thành Nam (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.