Sau một năm triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở, tính đến ngay 30-5 vừa qua, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay là 3.954,4 tỷ đồng, đạt 13,2%, trong đó tổng dư nợ là 2.156,3 tỷ đồng, đạt khoảng 7,18% giá trị gói tín dụng. Mặc dù năm tháng đầu năm, tiến độ giải ngân được đánh giá nhanh, nhưng nhìn chung sau một năm, tổng tiến độ giải ngân của cả gói tín dụng này còn khá "ì ạch".

Một trong những nguyên nhân quan trọng là nguồn cung nhà ở xã hội (NOXH) đang còn thiếu. Tuy nhiên, để đẩy mạnh nguồn cung này, ngoài việc xây mới NOXH, việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang NOXH và chẻ nhỏ căn hộ lại đang "tắc". Các địa phương viện lý do việc chuyển đổi nhà ở sẽ làm tăng mật độ dân số, ảnh hưởng đến kết cấu của công trình, làm gia tăng áp lực cho hạ tầng kỹ thuật - xã hội..., để "găm" hồ sơ chờ xét duyệt, cho dù đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác phát triển NOXH, chưa có nhiều hỗ trợ, ưu đãi cho các chủ đầu tư. Khi nhà đầu tư hờ hững, làm sao có được hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng?

Thực tiễn giao dịch thành công trên thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay phần lớn thuộc các phân khúc nhà giá thấp, diện tích phù hợp. Nhiều chuyên gia nhận định, không nên để những lý do chưa rõ ràng làm chậm quá trình triển khai dự án NOXH, trì hoãn việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang NOXH và chẻ nhỏ căn hộ. Khi nguồn cung NOXH dồi dào, giá chấp nhận được, chắc chắn người dân sẽ chủ động vay vốn mua, thuê mua nhà ở, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng.

Ðể đẩy mạnh việc phát triển NOXH, vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện Nghị định 188 ngày 20-11-2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý NOXH. Ðồng thời, Thông tư liên tịch giữa Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 16-6 quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai được kỳ vọng sẽ giảm bớt các vướng mắc về thủ tục trong việc cho người dân vay vốn, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư xây dựng NOXH.

Tuy nhiên, sự vào cuộc của các địa phương cũng không thể xem nhẹ. Ðó là nơi quyết định việc rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án NOXH; linh hoạt xem xét các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang NOXH và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại nhằm đáp ứng nguồn cung về NOXH và nhà ở thương mại có quy mô nhỏ cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở mua, thuê và thuê mua. Ðịa phương cũng là nơi quyết định có công bố công khai, minh bạch hay không các vị trí, khu vực mà các dự án không được phép chuyển đổi, chẻ nhỏ nhằm tạo điều kiện cho các DN chủ động đầu tư xây dựng, tránh để các DN phải "đi tới đi lui" mà chẳng được việc gì.

Ðể chính sách đi vào cuộc sống, tránh tình trạng tiền "chết" mà DN không dám, không muốn hoặc không thể vay giải ngân hiệu quả, rất cần sự kiểm tra, giám sát, phối hợp liên ngành để rà soát tình hình phát triển NOXH, từ đó có những giải pháp kịp thời, phù hợp.

Minh Thành (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.