Hàng loạt chung cư cao tầng ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cao trên 100m nhưng không hề có không gian lánh nạn theo Tiêu chuẩn Quốc gia về nhà ở Ảnh: Như Ý
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà ở (năm 2015) dành riêng một mục về yêu cầu an toàn cháy. Theo đó, đối với nhà cao trên 100m (tương đương 37 tầng trở lên - PV) phải bố trí gian lánh nạn đáp ứng các yêu cầu sau: Các gian lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng; các gian lánh nạn phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150; gian lánh nạn phải có diện tích đảm bảo đủ chứa được ít nhất một nửa tổng số người của tất cả các tầng trên và tầng dưới của gian lánh nạn với định mức 0,3 m2/người; gian lánh nạn phải có cửa thông với buồng thang không nhiễm khói và phải có cửa ra thang máy chữa cháy; gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy riêng gồm: thiết bị chống tụ khói, họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn… Trong quy định này có chú thích rất rõ: Có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn.
Sau thời gian nhiều vụ việc cháy nổ ở chung cư thiệt hại về người và tài sản, mới đây, trong Dự thảo Quy chuẩn Quốc gia về Nhà chung cư tiếp tục quy định, đối với nhà có chiều cao từ 100 m đến 150 m cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn, đáp ứng các yêu cầu như trên. Hiện, dự thảo của Bộ Xây dựng vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các bên.
Chủ đầu tư lo đội chi phí
Theo chia sẻ của một doanh nghiệp địa ốc đang triển khai dự án tại Long Biên (Hà Nội), nhiều chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng đang đặt nặng lợi ích kinh tế, buông lỏng những quy định về an toàn phát triển bền vững cũng như an toàn cho cư dân sinh sống. “Xây dựng tầng lánh nạn, gian lánh nạn đạt chuẩn không những tốn kém chi phí thiết lập mà còn mất thêm chi phí cơ hội tận dụng diện tích hình thành căn hộ bán. Thậm chí có những chung cư còn thiếu trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ bản huống chi là việc bỏ thêm tiền xây cả một tầng lánh nạn hay một gian lánh nạn cho cư dân”, vị này nói.
Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) phân tích, trước đây, các đô thị lớn ít nhà cao tầng, siêu cao tầng (40 tầng trở lên) nên không có Quy chuẩn Quốc gia về chung cư. Nay, thực tế xuất hiện nhiều chung cư cao trên 40 tầng nên cơ quan quản lý mới xây dựng quy chuẩn để đảm bảo phòng cháy chữa cháy cho người dân. Đối với nước ngoài, các toà nhà cao trên 100m đều có thiết kế tầng lánh nạn như: Singapore, Trung Quốc...
“Các nhà cao tầng thường có tầng kỹ thuật, đồng thời xây dựng một số không gian lánh nạn có đủ điều kiện cách ly khi cháy. Làm cái này chủ đầu tư không hề thích vì họ cũng muốn bán những không gian này như căn hộ thông thường nên không gian lánh nạn bị biến tướng hoặc không làm”, ông Chủng nói.
Ông Chủng đề xuất, khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, các nhà cao tầng buộc phải có không gian lánh nạn mới đủ điều kiện đưa người dân vào ở. Trong suốt quá trình hình thành từ thiết kế sơ bộ đến thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công phải có sự giám sát của cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương, thành phố có trách nhiệm kiểm tra việc này. “Nhiều chung cư ở Linh Đàm cao trên 40 tầng nhưng đến tiêu chuẩn tối thiểu về phòng cháy chữa cháy chủ đầu tư cũng không làm. Rõ ràng, trách nhiệm quản lý của mình kém. Chúng ta không nên đùa với sinh mạng của dân”, ông Chủng nói.
-
Đại biểu Quốc hội: Không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách tràn lan để làm nhà ở thương mại
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất....
-
Sau giảm giá 30 tỷ, ngân hàng tiếp tục hạ giá thêm 28 tỷ hai căn biệt thự ở Ciputra
Ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An tiếp tục rao bán đấu giá hai căn biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lần thứ tư.
-
Vừa bắt tay với Tập đoàn Trump, Kinh Bắc City lập văn phòng đại diện tại Hà Nội
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, đặt tại tầng 4, số 40 Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, ông Đặng Nguyễn Nam Anh được bổ nhiệm làm người đại diện văn phòng....