Nếu tăng giá điện thêm 6,8%, ngành xi măng sẽ phải chi thêm hơn 300 tỷ đồng tiền điện mỗi năm
“Với việc sụt giảm tiêu thụ trầm trọng trong 4 tháng qua, ngành xi măng đang đối mặt với vấn đề sống còn của từng nhà máy và tăng giá điện sẽ đẩy ngành xi măng đến chân tường, vì vậy, nếu tăng giá điện, xi măng chắc chắn sẽ phải tăng giá bán”, ông Thiện lo lắng. Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, hiện ông chưa nhận được văn bản nào về việc tăng giá điện và áp giá riêng cho ngành xi măng.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, bình quân mỗi dây chuyền sản xuất xi măng tiêu tốn từ 54 - 86 KWh điện/tấn clinker, tùy thuộc vào công nghệ và loại than được sử dụng. Với giá bán điện bình quân cho các nhà máy xi măng vào khoảng 1.100 đồng/KWh thì giá điện sẽ chiếm từ 8 - 10% giá thành sản xuất xi măng. Như vậy, nếu giá điện tăng 6,8% thì ngành xi măng phải chi thêm khoảng hơn 300 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.
Trước đề xuất áp dụng mức giá điện riêng cho ngành xi măng, ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết: “Ngành điện không phải cứ muốn tăng là tăng, phải căn cứ vào điều kiện cụ thể. Khi hàng tiêu thụ tốt, sản xuất phát triển nếu có sự điều chỉnh tăng giá thì cũng không vấn đề gì bởi giá điện của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực. Còn nếu tăng giá điện lúc này sẽ đẩy ngành xi măng chết nhanh hơn”.
Đồng quan điểm trên, lãnh đạo nhiều công ty sản xuất xi măng cho rằng, họ đang “cầm cự” để vượt qua khó khăn, chưa biết sẽ tồn tại thế nào, tăng giá điện lúc này họ sẽ lâm vào đường cùng. Ông Trang Thanh Ba, Phó tổng giám đốc Xi măng FICO cho rằng, xi măng đang tiêu thụ khó khăn, nên việc tăng giá điện lúc này không hợp lý.
Trước đó, theo quy hoạch phát triển ngành xi măng được Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015, ngành xi măng tự túc ít nhất 20% điện cho sản xuất. Một số nhà sản xuất xi măng đã đầu tư một khoản không nhỏ cho dự án tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, số khác tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nhằm giảm tiêu hao điện năng. Trong đó, Vicem là đơn vị đi đầu với dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại Xi măng Hà Tiên 2 - 2, công suất 2,95 MW, trong 7 năm hoạt động đã thu về 105 triệu KWh. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang tích cực triển khai lập đề án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại các đơn vị thành viên khác như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bình Phước, Tam Điệp. Song song với công tác này, Vicem cũng tích cực đổi mới công nghệ để có những dây chuyền tiêu hao điện năng thấp như: Hải Phòng 54 KWh/tấn clinker, Bút Sơn 2 là 60 KWh/tấn clinker, Tam Điệp 61,8 KWh/tấn clinker. Ngoài ra, các dây chuyền khác của Vicem như Bút Sơn 1, Bỉm Sơn 2 và 3, Hoàng Mai cũng có mức tiêu thụ điện năng tương đối thấp (từ 62,4 - 65 KWh/tấn clinker).
Xi măng Hòn Chông (Kiên Giang) cũng đã đầu tư trạm phát điện nhiệt khí thải với sản lượng điện khoảng 44 triệu KWh/năm, dự kiến trạm phát điện sẽ đi vào hoạt động trong năm 2012. Tuy nhiên, suất đầu tư cho một hệ thống phát điện nói trên còn khá cao, dao động từ 1,5 đến 2 triệu USD/MW điện. Như vậy, các nhà sản xuất cũng đã chủ động cùng ngành điện giảm thiểu tiêu hao điện năng. Trong khi đó, theo tính toán khi lập dự án, mỗi tấn clinker có mức tiêu hao trung bình khoảng 80KWh. Như vậy, mức tiêu hao điện năng của ngành xi măng luôn ở mức cho phép.
Than, điện - 2 nhiên liệu chính của sản xuất xi măng và thép, hiện đang ở trong thế độc quyền, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xi măng, không phải vì thế mà các nhà cung cấp này có thể tăng giá tùy ý, mà phải tính toán vào lợi ích toàn cục của nền kinh tế. Nếu than, điện tăng giá trong thời điểm thị trường xi măng, sắt thép gặp khó khăn như hiện nay sẽ đẩy các ngành này vào chân tường và khi đó sẽ ảnh hưởng ngược đến chính ngành than và điện, cũng như cả nền kinh tế nói chung.