Các bộ ngành vào cuộc tìm giải pháp
Hiện tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực như san lấp, làm phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng. Ngoài ra, tro, xỉ thải cũng được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây (nung và không nung).
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD, san lấp…
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ, ngành có liên quan cùng UBND một số địa phương về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp.
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát quá mức đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Những tỉnh ở thượng nguồn ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp… với lợi thế về nguồn cát dồi dào vốn được xem là những “mỏ vàng”, nay cũng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt loại VLXD này.
Hiện nay, giá các mặt hàng VLXD, nhất là giá cát liên tục tăng vọt, “nhảy múa” khiến nhiều công trình xây dựng lâm vào thế khó. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đã sử dụng tro, xỉ để làm vật liệu xây dựng, san lấp.
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên vật liệu trong các công trình giao thông, thay thế vật liệu tự nhiên.
Theo đó, việc dùng tro xỉ và đất đá thải mỏ san lấp đã giải quyết được cả 2 mục tiêu là giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục tình trạng khan hiếm VLXD và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh như Chính phủ đã định hướng.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức về xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng giao cho Viện Vật liệu xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn quốc gia TCVN về "Xỉ phốt pho cho sản xuất xi măng và bê tông", dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2022. Đồng thời, bộ cũng có văn bản chỉ đạo các nhà máy xi măng, các trạm nghiền xi măng tăng cường nghiên cứu và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu, phụ gia trong quá trình sản xuất.
Đến nay, một số địa phương đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia xử lý, sử dụng nguồn phụ phẩm sản xuất công nghiệp này.
Sản xuất xi măng từ tro, xỉ cho chất lượng không giảm
Sản xuất clinker, xi măng từ tro xỉ cho chất lượng sản phẩm không giảm
Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đưa tro, xỉ, chất thải công nghiệp, bùn thải vào làm nguyên, nhiên liệu sản xuất xi măng. Qua thời gian thử nghiệm cho kết quả thành công, VICEM đang gia tăng thêm tỷ lệ sử dụng các nguyên liệu vốn là chất thải để thay thế các nguyên liệu truyền thống.
Trong năm 2021, VICEM đã sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Kế hoạch năm 2022, toàn VICEM sẽ sử dụng khoảng hơn 3 triệu tấn, tương đương với tỷ lệ là 11,5%.
Việc sử dụng chất thải, trong đó có tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện vào làm nguyên, nhiên liệu sản xuất clinker và xi măng cho ra chất lượng sản phẩm xi măng không bị ảnh hưởng. Qua đó, có thể giúp hạ giá thành sản xuất, tạo ra thêm lợi nhuận cho sản xuất xi măng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào là than đá tăng mạnh trong thời gian qua.
Chưa kể, khi làm chủ công nghệ sản xuất xi măng mới này, VICEM sẽ mở ra giải pháp xử lý các bãi chất thải tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện. Từ đó, tạo động lực cho các doanh nghiệp xi măng thay đổi, cắt giảm được chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, trước áp lực chi phí sản xuất tăng mạnh trong thời gian qua, một loạt doanh nghiệp xi măng đã tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán từ đầu tháng 5.2022. Đây là lần tăng giá thứ 2 từ đầu năm đến nay.
Dù xi măng đã thiết lập mặt bằng giá mới, nhưng do giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất liên tục tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải chịu áp lực lớn, khó giữ ổn định giá bán sản phẩm.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng rất cao. Chính vì thế, việc sử dụng tro, xỉ thải làm nguyên liệu sản xuất vật VLXD nói chung và xi măng nói riêng phần nào giải quyết được bài toán VLXD tăng giá hiện nay.
Cũng phải nói thêm, không phải loại tro, xỉ nhiệt điện nào cũng có thể đưa vào làm nguyên, nhiên liệu sản xuất xi măng.
-
Cần đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu gạch không nung
Chương trình phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 sẽ gắn mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu gạch không nung thay thế gạch đất sét nung.