Sân vườn “nhà di sản” được xây dựng quy mô để làm khu tập thể hình
Trước phản ứng của dư luận, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công văn yêu cầu UBND TP. Huế kiểm tra, xử lý thông tin và sớm có báo cáo lên tỉnh. UBND TP. Huế sau đó đã có nhiều cuộc họp để làm rõ những vấn đề liên quan đến khu “Nhà di sản” này.
Theo kết luận của UBND TP. Huế, về quy trình, thủ tục đầu tư là đầy đủ và đúng với quy định. Ngôi nhà không thuộc trong danh mục các di tích lịch sử văn hóa, nhà vườn được quản lý theo quy định. Tuy nhiên, mặc dù không phải là công trình được công nhận là di tích, nhà vườn phải bảo tồn nhưng ngôi nhà có giá trị về mặt kiến trúc truyền thống và đã được các đối tác của Pháp trước đây quan tâm đầu tư, tu bổ, giữ gìn. Ngôi nhà cần được gìn giữ, bảo quản, sử dụng khai thác hợp lý, trận trọng và cần được ứng xử như một công trình có giá trị truyền thống cao.
UBND TP. Huế cũng nhận thấy việc sử dụng phần đất trống và kể cả ngôi nhà từ năm 2005 đến nay là chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, quản lý chưa được chặt chẽ dẫn đến nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Không phát huy được các giá trị kiến trúc của ngôi nhà.
Mặc dù về thủ tục, trình tự, cơ sở pháp lý hiện thực là đầy đủ. Nhưng việc xem xét tổng thể về kiến trúc của hạng mục công trình mới đầu tư là chưa cân đối, hài hòa và phù hợp với ngôi nhà hiện có. Các phòng, ban, UBND phường và lãnh đạo thành phố thừa nhận còn chủ quan, chưa kỹ càng trong việc xem xét kiến trúc xây dựng hạng mục công trình mới. Việc quản lý công trình có giá trị kiến trúc truyền thống của thành phố còn lỏng lẻo.
Vì vậy, UBND TP. Huế thống nhất tạm dừng việc thi công hạng mục công trình Trung tâm Thể dục Thể thao để xem xét, cân nhắc điều chỉnh phương án quy hoạch, kiến trúc cho phù hợp. Giao cho các phòng, ban liên quan cùng UBND phường Thuận Lộc rà soát lại 10 ngôi nhà truyền thống đã được đề nghị xem xét đầu tư tu bổ năm 1997 (do Vùng Nord pas de Calais – Pháp tài trợ), kể các khoản phí có liên quan từ phía Pháp tài trợ và vốn đối ứng của UBND tỉnh, thành phố cùng các đề xuất phương án quản lý, theo dõi bảo tồn,.. và báo cáo cho UBND TP. Huế trước ngày 15/12.
Cùng với đó, UBND TP. Huế cũng yêu cầu phường Thuận Lộc phải có phương án bảo quản, vệ sinh, sắp xếp và sử dụng hợp lý để phát huy giá trị của ngôi nhà.
Đây là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, có giá trị văn hóa đặc biệt khi phối hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà rường Việt Nam và kiến trúc Pháp. Chủ nhân của ngôi nhà trước đây là Thượng thư Bộ Kinh tế cuối triều Nguyễn Trương Như Đính (1892-1970). Nhưng đến năm 1988, ngôi nhà này được ba người con gái của cụ Đính đứng ra bán lại cho UBND phường Thuận Lộc (TP Huế) và trở thành nhà công sản, nơi làm việc của các cơ quan mặt trận, đoàn thể phường.
Vào năm 2000, “nhà di sản” đã được các chuyên gia nằm trong chương trình văn hóa giao lưu Việt - Pháp để đặt làm nơi nghiên cứu văn hóa. Từ đó, ngôi nhà trở thành địa chỉ văn hóa của Huế, là điểm đến tham quan của nhiều du khách và công trình tiêu biểu thể hiện sự nỗ lực trong việc trùng tu, phục hồi những ngôi nhà cổ tại Huế.
Tuy nhiên, thời gian gần đây,“nhà di sản” đang được một đơn vị tư nhân thuê xây dựng khu tập thể hình. Sự việc khiến dư luận, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa tỏ ra bất bình.