CafeLand - Đằng sau những con số cộng (+) đầy triển vọng của tổng thể nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 là những ẩn số của quý II/2018 và đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, tăng trưởng của nền kinh tế đã bắt đầu chững lại…

Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất 10 năm

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế của cả nước có nhiều khởi sắc với những con số tăng trưởng đầy ấn tượng.

Một số chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm 2018 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Cụ thể, Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng năm 2018 đạt 7,08%. Đây là con số tăng trưởng cao nhất trong 7 năm trở lại đây (kể từ năm 2011) và cao hơn hẳn so với con số tăng trưởng 5,83% của nửa đầu năm 2017.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các ngành đều thể hiện rõ sự cải thiện đáng kể như nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 3,93%, là mức tăng cao nhất trong nửa đầu năm 6 năm trở lại đây; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng tăng 13,02%, cũng là mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước đó là khoảng 5-6% vào năm 2013-2014 và 10,52% năm 2017.

Tốc độc tăng trưởng của nành dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 cũng đạt mức tăng khá tốt tăng trưởng 6,9%, cao hơn các năm trước đó và năm 2017 là 6,89%. Nhìn trên bình diện 6 tháng có thể thấy nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tích lớn với các con số rất đẹp. Tuy nhiên, nếu nhìn gần hơn vào riêng tình hình quý II/2018, có thể thấy nền kinh tế đã bắt đầu chững lại, giảm tốc.

Cụ thể, nếu nhìn vào những con số tăng trưởng đầy ấn tượng của quý I/2018 chúng ta sẽ thấy quý II đã chững lại nhiều. GDP quý I tăng 7,38% là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây mới là động lực chính để GDP 6 tháng đạt mức 7,08%. Điều này cũng có nghĩa là tăng trưởng GDP quý II chỉ xấp xỉ 6,8%.

Phân chia theo khu vực, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm % của nền kinh tế.

Nhận định về đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng của quý I và 6 tháng đầu năm 2018 đều khá giống nhau chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa với sản lượng thép tháng 6/2018 gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước và 6 tháng gấp 8,1 lần. Cùng với đó là Công ty TNHH Samsung Electronics tập trung sản xuất các dòng điện thoại cao cấp vào tháng Hai và tháng Ba, trong khi năm 2017 sản xuất chủ yếu vào tháng Tư và tháng Năm.

Tăng trưởng 2018 sẽ ngược chiều thông lệ

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, quý I/2018 tăng trưởng cao cũng có cái lý của nó. Giữa rất nhiều nguyên nhân, có 2 nguyên nhân chính, nổi bật, một là số liệu so sánh dựa trên một nền thấp là tăng trưởng quý I/2017 chỉ đạt 5,1%; nguyên nhân thứ 2 là việc tăng cường sản xuất, đi vào hoạt động của nhà máy Formosa và công ty Samsung.

Cũng vì thế việc trong quý II, GDP sẽ tăng trưởng thấp hơn quý I là điều không đáng ngạc nhiên, bởi nguyên nhân đầu tiên giúp tăng trưởng quý I cao đã dần phai mờ trong quý II và sẽ mất đi trong quý III và quý IV năm 2018. Nó báo hiệu một giai đoạn tăng trưởng giảm dần, hay ngược chiều trong quý III, quý IV khi so sánh với thông lệ các năm trước đó.

Cụ thể, trao đổi về tăng trưởng cả năm 2018, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Theo thông lệ tăng trưởng ở Việt Nam, quý I, quý II thường tăng trưởng sẽ thấp hơn quý III, quý IV vì sản xuất kinh doanh thường nhộn nhịp và dồn về cuối năm.

"Nếu theo thông lệ như vậy, quý I/2018 đã đạt tăng trưởng 7,38% thì quý II, quý III, quý IV con số tăng trưởng sẽ rất cao và cả năm có thể đạt 7,5%", ông Thành đặt giả thiết.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn rất cẩn trọng và đặt mục tiêu nỗ lực tăng trưởng đạt 6,7%, còn Chủ tịch Quốc hội thì đặt mục tiêu phấn đấu nhỉnh hơn một chút là 6,8%.

"Không phải vô cớ mà Chính phủ và Quốc hội lại tỏ ra thận trọng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 như vậy", ông Thành cho rằng "cái lý" của tăng trưởng cao là do Formosa đi vào hoạt động và những đột biến trong sản xuất của Samsung, tương tự quý III, IV của năm 2017.

Vì vậy, nếu không có nhiều thay đổi, tăng trưởng quý III, IV sẽ thấp đi nhiều vì phải so với cái nền tăng trưởng quý III, quý IV/2017 cao sẵn và không còn yếu tố mới dẫn dắt, ông Thành nhận định.

  • GDP và lạm phát 6 tháng đầu năm 2018 đều tăng

    GDP và lạm phát 6 tháng đầu năm 2018 đều tăng

    CafeLand - Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.