Đại dịch Covid-19 đã khiến những hãng thương mại điện tử như Amazon kiếm lợi lớn khi người dân bị cách ly tại nhà và đặt hàng online nhiều hơn. Doanh số quý I/2020 của Amazon đạt tới 75,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 59,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, để bắt kịp được nhu cầu tăng cao trong khi vẫn phải giữ nhân viên an toàn lại đang khiến chi phí hoạt động của Amazon tăng mạnh. Dù doanh số đi lên nhưng lợi nhuận của Amazon lại giảm 29% cùng kỳ, từ 3,6 tỷ USD quý I/2019 xuống chỉ còn 2,5 tỷ USD trong quý I/2020. Giá cổ phiếu của Amazon cũng chẳng bật tăng quá nhiều như kỳ vọng dù đại dịch giúp hãng bán được nhiều hàng hơn.
Hệ quả là dù đại dịch khiến nhu cầu thương mại điện tử tăng nhưng Amazon lại thực hiện các chính sách nhằm hạn chế khách hàng mua sắm online. Đây là điều tất yếu nhằm hạn chế chi phí, điều tiết lại vận hành nhằm gia tăng lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu cho công ty.
Vậy Amazon đã làm những gì để hạn chế khách hàng chi tiêu?
Hạn chế đầu vào
Đại dịch Covid-19 đã khiến doanh số thương mại điện tử tăng tới 70,2% tại Bắc Mỹ, thế nhưng chuỗi cung ứng và hệ thống vận tải lại bị gián đoạn khiến thời gian giao hàng kéo dài. Tệ hơn, nhiều nhân viên Amazon buộc phải cách ly hay ở nhà trong mùa dịch, buộc hãng phải có biện pháp hạn chế đơn hàng.
Với độ nổi tiếng của mình, Amazon không cần vất vả để thu hút thêm khách hàng mà thứ họ cần tập trung giải quyết trong mùa dịch là đảm bảo chất lượng cũng như sự vận hành trơn tru của hệ thống. Minh chứng rõ nhất là hệ thống trưng bày sản phẩm trên các website của Amazon ít hơn trước, hãng cũng ngừng các chương trình khuyến mãi hay giảm giá trong nhiều tuần mùa dịch.
Hơn nữa, Amazon cũng hạn chế những khuyến nghị người mua có thể xem xét khi thêm 1 mặt hàng vào giỏ dù chúng thường được mua chung với nhau. Hãng cũng loại bỏ hàng loạt các chương trình khuyến mãi thường tổ chức vào các ngày lễ như Ngày của mẹ. Thậm chí ngày hội giảm giá Prime Date thường niên vào tháng 7 cũng bị hoãn đến tháng 8/2020.
Một minh chứng nữa cho thấy Amazon đang hạn chế các đơn hàng do quá tải là bóp tương tác. Số liệu của hãng phân tích SEMRush cho thấy Amazon.com có đến 4,06 tỷ người xem trong tháng 3/2020, bằng tổng số người xem của các trang eBay, Rakuten, Samsung, Walmart và Apple cộng lại. Tuy nhiên hãng đã cắt giảm chi phí quảng cáo cho các công cụ tìm kiếm như Google vào tháng 3/2020.
Thêm nữa, Amazon cũng đã cắt giảm 80% phí hoa hồng cho các trang liên kết khi họ bán sản phẩm qua đường link của hãng. Trong mùa đại dịch, Amazon thậm chí hạn chế lưu kho những mặt hàng không thiết yếu để tập trung cho nhu yếu phẩm hay thiết bị y tế, qua đó giới hạn các mặt hàng mà người bán có thể gửi đến kho của hãng. Trường hợp này chỉ từng diễn ra một số lần trước đây khi lượng hàng gửi đến các kho của Amazon quá nhiều khiến hãng bị quá tải.
Giảm tốc đầu ra
Không chỉ hạn chế số lượng hàng được phép lưu kho của người gửi bán, Amazon còn giảm tốc thời gian chuyển hàng. Những thành viên Prime của Amazon vốn được ưu ái thì nay phải đối mặt với tình trạng giao hàng muộn ngày một nhiều. Nếu người tiêu dùng không phải thành viên Prime thì thời gian nhận hàng thậm chí còn kéo dài hơn.
Vào tháng 3/2020, Amazon tuyển thêm 100.000 lao động và 75.000 người khác vào tháng 4/2020. Dẫu vậy, hãng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu tăng quá mạnh của thị trường trong khi nhiều yếu tố khác như hệ thống vận tải, quy định bảo đảm an toàn cho lao động mùa dịch… ảnh hưởng đến khả năng cung ứng.
Hậu quả của việc quá tải này là nhiều khách hàng đã chuyển sang những trang thương mại điện tử khác để mua hàng như Walmart. Số lượng người tải ứng dụng mua thực phẩm của Walmart đã tăng kỷ lục trong mùa dịch và chuỗi bán lẻ này đã phải thuê thêm hơn 150.000 nhân viên trong tháng 3-4/2020. Hãng cũng tung ra chương trình giao hàng nhanh với lệ phí khoảng 10 USD/người.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng tình hình này chỉ là nhất thời. Khi đại dịch chấm dứt, Amazon sẽ quay trở lại vị thế của mình nhanh chóng và thậm chí còn mạnh hơn xưa khi danh tiếng của hãng và thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi.
-
Thương hiệu bất động sản áp dụng thành công phương châm kinh doanh của CEO Amazon
Jeff Bezos - tỉ phú giàu nhất thế giới, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành (CEO) Amazon đã từng nói: “Chúng tôi không kiếm tiền từ việc bán hàng. Chúng tôi kiếm tiền từ việc giúp khách hàng đưa ra quyết định mua sắm”.