Khu tái định cư Phước Bình (xã Phước Bình, Long Thành) rộng 16ha, sau 10 năm thành lập vẫn không có hộ dân nào vào sinh sống. Điện, đường, cống thoát nước… trong khu tái định cư đang xuống cấp trầm trọng; cỏ dại mọc ngút ngàn.
10 năm không một bóng người
Những con đường nhựa rộng thênh thang, phẳng lì vẫn không che lấp được một thực tế khu tái định cư Phước Bình đang “chết lâm sàng”. Để tận dụng sự bỏ hoang, người dân phơi phóng ngập tràn khoai mì trên các con đường này. Chị Võ Thị Tuyết (ấp 6) đang phơi khoai mì trên đường, mỉa mai: “Đường được Nhà nước tráng nhựa lại bỏ hoang, không tận dụng phơi khoai mì thì uổng lắm!”.
“Khích lệ” hơn là tại khu tái định cư Long Thọ - Phước An (xã Phước An, Nhơn Trạch). Khu tái định cư này cũng được thành lập hơn chục năm nay. Thế nhưng, dự tính của chính quyền đưa hơn 100 hộ bị giải tỏa để làm đường D9 (thành phố mới Nhơn Trạch) vào khu tái định cư đã gần như phá sản khi đến nay chỉ có… 3 hộ dân chịu vào sinh sống. Chị Nguyễn Thị Thu - một chủ hộ tại đây, cho biết: “Ở đây sợ ma thấy mồ, nhưng đi nơi khác thì tiền đâu mua đất, cất nhà”.
Hiện khu tái định cư này đang trong tình trạng… trống vắng. Những con đường nhựa trong khu tái định cư được người dân tận dụng làm… sân phơi lúa. Những khu còn lại cỏ mọc um tùm, người dân đem trâu, bò ra thả…
Vì sao dân “chê” tái định cư?
Thực tế, những khu tái định cư “ma” hiện nay đã cho thấy việc thành lập khu tái định cư chỉ nhắm vào vị trí “đắc địa” mà không thực sự “hiểu lòng dân”. Ông Trần Ngọc Sơn - Chủ tịch xã Phước Bình cho biết: “Tôi khẳng định khu tái định cư Phước Bình hiện đang ở một vị trí rất đẹp. Tuy nhiên, ai đời lại đưa dân bị giải tỏa từ Bàu Cạn, Suối Trầu, Thừa Đức (cách khu tái định cư khoảng 30km) về đây sinh sống”. Theo ông Sơn, xây dựng khu tái định cư phải gắn liền các điều kiện: Đất đai sản xuất, khu công nghiệp liền kề… bởi “không ai chỉ ở mà không làm ăn”.
Bên cạnh đó, người nông thôn quen tập quán sống gần kề họ hàng. Đưa họ đi đến một nơi khác cách đó hàng chục km như ở Phước Bình khiến rất nhiều hộ phải bán nền trong khu tái định cư để tìm một nơi khác thích hợp hơn. Đó là chưa nói đến việc quy định xây dựng đúng quy cách nhà phố như ở khu tái định cư Long Thọ - Phước An.
Làm sao nông dân nghèo nhận vài chục triệu đồng khi bị giải tỏa lại có thể xây được nhà. Nhiều người bị giải tỏa khi chúng tôi tiếp cận cho rằng Nhà nước nên bồi thường cho họ số tiền tương đương với giá trị nền nhà trong khu tái định cư để họ tự quyết cuộc sống thay vì chỉ nhận 50% giá trị lô đất trong khu tái định cư.
Thực tế, sau khi nhận nền đất tái định cư, hầu hết người bị giải tỏa bán lại lô đất này. Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Thế Ân - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho rằng nên hỗ trợ dân 100% như giá trị suất lô đất trong khu tái định cư để dân tự lo liệu, vừa tạo thuận lợi cho dân vừa bớt gánh nặng ngân sách.