Tái cơ cấu đầu tư công là một trong những chủ đề nóng nhất trong phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 tại các đoàn Đại biểu Quốc hội diễn ra cuối tuần qua.
Tái cơ cấu đầu tư công: Bắt đầu từ đâu?
Chính phủ sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khác đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Hà Thanh
“Đầu tư công từ ngân sách nhà nước tăng, trong khi đầu tư từ tín dụng có xu hướng giảm và hệ số ICOR tăng lên nhanh chóng cho thấy, hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước rất thấp. Đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công đang là một trong những vấn đề cần thực hiện quyết liệt ngay trong năm 2012”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Tiền Giang) khẳng định.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có chậm lại, yêu cầu tái cơ cấu đầu tư công cần được Chính phủ thực hiện sớm, để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn trong năm 2013”, ông Vinh yêu cầu.

Trước đó, trong Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp này, đã có những động thái rõ nét thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu đầu tư công.


Theo đó, tỷ trọng đầu tư công năm 2012 sẽ chỉ chiếm 39,5 - 40,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong khi năm 2011 chiếm 41,7% và giai đoạn 2006 - 2010 lên tới 44,3%. Để bù vào phần vốn ngân sách sẽ bị cắt giảm, Chính phủ sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khác bằng các hình thức thích hợp. Với nguồn vốn tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách, sẽ rà soát loại bỏ danh mục ưu tiên đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực như xi măng, sắt thép, quỹ hỗ trợ xuất khẩu, các chính sách xã hội có khả năng huy động từ các nguồn vốn khác và nguồn vốn xã hội hóa của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.


“Các quy chế phân cấp quản lý đầu tư công cũng sẽ được nghiên cứu sửa đổi ngay trong năm sau, đảm bảo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn ở từng cấp ngân sách”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.


Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cùng với việc chú trọng huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phải đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục tình trạng vốn đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, thất thoát. Mặt khác, phải có giải pháp nhằm sớm phát huy hiệu quả đồng vốn tại dự án đang triển khai và chuẩn bị khởi công, bảo đảm chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ đề ra.


Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, kỳ họp này, Chính phủ đã gửi thông điệp khá mạnh mẽ về việc tái cấu trúc 3 nhóm lĩnh vực trọng yếu mà xã hội đang rất quan tâm. Tuy nhiên, đây chỉ mang tính định hướng, chứ chưa có biện pháp nào cụ thể. “Nếu Chính phủ không sớm hoàn thiện, ban hành những cơ chế đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Lịch lo ngại.


Liên quan tới công tác xã hội hóa đầu tư, đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) cho rằng, nếu không có vốn mồi đầu tư của Nhà nước, thì việc thu hút các thành phần khác đầu tư, đặc biệt là cơ sở hạ tầng sẽ gặp khó khăn.


Ngay cả khi nguồn vốn ngân sách được bố trí đúng, đủ cho các dự án cấp bách, việc đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng là yếu tố sống còn để công trình đảm bảo hiệu quả đúng như thiết kế ban đầu.


“Hiện việc tổ chức và điều hành dự án đang là một khâu rất yếu, chậm được khắc phục. Nhiều công trình quan trọng được ngân sách đầu tư lớn, như Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp, hỏng hóc nhiều, rất lãng phí”, đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên).


Đề cập việc giảm thiểu hệ lụy từ việc tái cơ cấu đầu tư công, nhiều đại biểu cho rằng, đối với các dự án phải cắt giảm, đình hoãn hoặc điều chuyển vốn cho các dự án khác, phải đưa ra giải pháp xử lý thích hợp cho từng loại công trình dở dang, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại, cũng như hệ lụy kèm theo.


Được biết, trong tuần này, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 sẽ còn được các đại biểu cho ý kiến trong 3 phiên thảo luận tại hội trường, trước khi thông qua Nghị quyết về vấn đề này vào ngày 8/11.


Theo kế hoạch, hôm nay (24/10), các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.


Tái cơ cấu đầu tư công: Bắt đầu từ đâu?

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu

Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, năm 2012, chúng ta thắt chặt tài khóa, tiền tệ, nên khó có khả năng đầu tư của các thành phần kinh tế khác tăng lên để trám vào sự sút giảm đầu tư của nhà nước. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh Việt Nam, thu hút đầu tư của những thành phần kinh tế khác những năm tới.

Tái cơ cấu đầu tư công: Bắt đầu từ đâu?

Ông Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi với chủ trương tái cấu trúc, trong đó tập trung vào 3 nhóm, 3 lĩnh vực. Tuy nhiên, tất cả nội dung đề ra mới là đầu bài. Bây giờ ai cũng nói phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nhưng phải làm từ chỗ nào, bắt đầu từ đâu thì chưa rõ. Cần gấp rút sắp xếp nguồn lực ưu tiên cho tái cấu trúc đầu tư công dựa vào nguyên tắc lĩnh vực nào, địa bàn nào tạo ra nguồn thu hiệu quả mới đầu tư và đầu tư mang tính “vốn mồi” để đẩy mạnh xã hội hóa.

Tái cơ cấu đầu tư công: Bắt đầu từ đâu?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Năm 2012 và những năm tới, tôi cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công cần tập trung theo hướng tăng đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh phân cấp đầu tư. được coi là lĩnh vực kinh tế nền tảng, nhưng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn quá ít.

Theo Minh Liên (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh