Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam
Vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực
Cùng với các giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo Nghị quyết 02, Chính phủ cũng thông qua gói tín dụng hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở. Sau gần 3 tháng triển khai, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tác động cũng như hiệu quả của gói hỗ trợ tín dụng này?
- Để tạo cú hích với một thị trường “đang ốm”, tạo cầu thực cho người dân có khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ thông qua Nghị quyết 02, chấp thuận gói kích cầu 30 nghìn tỷ đồng để kết hợp giải quyết khó khăn của người dân về nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo kết quả rà soát của các địa phương về nhu cầu nhà ở, hiện nay và đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước còn khoảng 1.740 nghìn người có khó khăn về nhà ở và 1.715 nghìn công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động KCN cần phải xây dựng 700 nghìn căn hộ.
Như vậy, nếu nhìn vào nhu cầu về NƠXH, so sánh với gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 02 thì rõ ràng vẫn còn là con số rất ít. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện hiện tại, 30% gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án NƠXH vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực để hoàn thiện. Phần lớn gói 30 nghìn tỷ đồng (70%) để cho người dân vay, thời hạn 10 năm, hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn. Có thể thấy, vốn cho vay DN và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của DN, nguồn tiền đang tiềm ẩn của người dân.
Thực tế tính đến thời điểm ngày 13/8/2013, ngoài các chủ đầu tư có dự án được các ngân hàng xem xét cho vay vốn thì các ngân hàng đã cho vay 208 khách hàng hộ gia đình, với số tiền trên 49 tỷ đồng. Hiện nay các ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02 đã nhận được nhiều hồ sơ của DN, của người dân và đang tích cực tiến hành việc thẩm định để cho vay. Như vậy bước đầu gói hỗ trợ đã tạo được niềm tin, nguồn động lực nhất định cho DN cũng như đáp ứng nhu cầu cho người dân mua nhà.
NƠXH làm gia tăng giao dịch BĐS
Thưa Thứ trưởng, cùng với những giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng cho người mua nhà đang được áp dụng, Bộ Xây dựng đang phải tính giải pháp đẩy nhanh nguồn “cung” cho thị trường NƠXH, nhà giá thấp?
- Thực tế, việc phát triển NƠXH chính là sự tác động của Nhà nước vào thị trường BĐS, làm gia tăng giao dịch và kéo mặt bằng cung về giá nhà ở trên thị trường xuống đáng kể. Bộ Xây dựng đã quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án NƠXH đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trong cả nước hiện có khoảng 167 dự án NƠXH đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ. 32 dự án khác cũng đang tiếp tục triển khai với quy mô gần 20 nghìn căn.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương trọng điểm có nhiều dự án BĐS rà soát lại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà đang triển khai, các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chưa triển khai và tiến hành phân loại, dự án nào được tiếp tục triển khai, dự án nào cần tạm dừng, dự án nào cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đến nay đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang NƠXH với quy mô 34 nghìn căn, chủ yếu tại các đô thị lớn. 22 dự án nhà thương mại khác cũng đăng ký điều chỉnh quy mô căn hộ, tăng từ 6.000 căn lên 8.320 căn hộ.
Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với các địa phương, nhất là 2 đô thị lớn có nhu cầu nhà ở lớn là Hà Nội và TP.HCM quy hoạch những KĐTM rộng hàng trăm ha, có đầy đủ hạ tầng để phát triển NƠXH. Trước mắt chúng ta sử dụng quỹ đất 20% trong các KĐTM để xây NƠXH, nhưng về lâu dài phải quy hoạch các khu có quy mô lớn, cơ sở hạ tầng đầy đủ.
Thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đ/tháng trả nợ được vốn vay mua nhà
Khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, các ngân hàng đều yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải chứng minh thu nhập để bảo đảm khả năng trả nợ. Theo Thứ trưởng, mức thu nhập khoảng bao nhiêu thì vay mua nhà là hợp lý?
- Chúng ta phải có nhiều giải pháp và nhiều gói cũng như nhiều loại hình sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị ở các mức khác nhau đều có thể giải quyết được vấn đề nhà ở. Đối với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Ví dụ tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30 - 70m2 và có hạ tầng đầy đủ. Sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn, đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc thân hoặc những người có thu nhập quá thấp.
Chúng ta cần thực tế, cần cân đo đong đếm từ nhu cầu đến khả năng của người dân một cách hợp lý. KĐTM Đặng Xá của Viglacera có căn hộ 30m2, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ sang mua và hài lòng, giá bán 8,5 triệu đ/m2. Như vậy, căn hộ 30m2 giá là 250 triệu đồng. Theo quy định người mua phải tự lo khoảng 50 triệu đồng (20%), ngân hàng cho vay 80% là 200 triệu đồng, trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu đồng tiền gốc, mỗi tháng trả 1,66 triệu đồng, lãi 6% tính trên gốc tổng số tiền đầu tiên. Như vậy mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi là 2,66 triệu đồng, những tháng sau gốc giảm thì lãi cũng giảm. Nếu khách hàng được vay trong 15 năm như một số ngân hàng thương mại công bố thì con số trả hàng tháng còn giảm hơn nhiều. Với thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng thì vay mua nhà trả nợ được.
Còn những người không bảo đảm thu nhập để vay được tiền thì giải quyết ra sao, thưa Thứ trưởng?
- Với những đối tượng chưa có khả năng mua nhà thu nhập thấp dù với căn hộ có diện tích nhỏ nhất, chúng ta cần có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40 - 45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đ/tháng. Các chính sách này đã được thể hiện trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển NƠXH đã được trình Chính phủ. Nghị định có riêng một chương về chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở cho thuê. Bên cạnh đó có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê, tức là có thể thuê một hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà ở có thời hạn. Trong thời gian đi thuê nhà đó coi như nhà của người thuê, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng và giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.
Nhà ở giá thấp nhưng chất lượng không thấp
Người dân vẫn cho rằng một số dự án NƠXH giá vẫn còn cao, 13 - 14 triệu đ/m2. Vậy theo Thứ trưởng, làm thế nào để hạ giá NƠXH hơn nữa?
- Để phát triển quỹ NƠXH, Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi như không thu thuế hoặc giảm thuế, không thu tiền đất, tăng mật độ xây dựng, được ưu đãi về nguồn vốn tín dụng, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được rút gọn, không phải xin giấy phép xây dựng... Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất cho phép miễn, giảm thuế GTGT cho các hộ gia đình, cá nhân mua NƠXH và mua nhà thương mại để ở lần đầu, cho phép các DN đầu tư NƠXH được hưởng ưu đãi về thuế, thu nhập DN ở mức cao nhất… Mục tiêu là tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được mua nhà giá rẻ, khuyến khích DN phát triển NƠXH.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, về phía DN làm sao phải giải bài toán nhà ở chất lượng không thấp nhưng giá thành thấp? Các DN phải vận dụng thành tựu mới trong khoa học công nghệ, ví dụ như Vinaconex đã vận dụng công nghệ sản xuất và lắp dựng các cấu kiện bê tông dự ứng lực, công nghệ lắp ghép với phương pháp trượt lõi cầu thang… Viglacera cũng làm rất tốt ở các dự án nhà ở cho công nhân, nhà giá rẻ Đặng Xá.
Giá nhà thấp thì vấn đề chất lượng nhà được Bộ Xây dựng và các DN quan tâm, bảo đảm như thế nào?
- Có thể nói, NƠXH mà chúng ta đang xây dựng có chất lượng không khác gì nhà ở thương mại về yêu cầu kỹ thuật và an toàn, chỉ khác nhau về vật liệu hoàn thiện. Vì vậy các nhà kiến trúc, các nhà khoa học và DN cần nghiên cứu đưa ra những thiết kế NƠXH vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm điều kiện sống cho con người, phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong điều kiện có sự hỗ trợ của Nhà nước. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ kiểm soát việc các DN quy định giá bán nhà cũng như vấn đề chất lượng công trình nhà ở.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, giải quyết hàng tồn kho và phát triển NƠXH liên quan mật thiết với nhau. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, giải quyết hàng tồn kho là khắc phục sự lệch pha về cung - cầu, làm cho thị trường BĐS giao dịch trở lại để phát triển kinh tế. Còn phát triển NƠXH là nhiệm vụ thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia với mục tiêu mọi người dân được cải thiện về nhà ở, nhất là những người nghèo, thu nhập thấp. |