Dù giá USD niêm yết tại các ngân hàng dao động không quá xa so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng tuy nhiên xu hướng chủ đạo vẫn tăng. Câu hỏi đặt ra là trên thị trường hiện nay liệu còn có sức ép lên tỷ giá hay không?

Để trả lời cho câu hỏi có còn sức ép về tỷ giá lên thị trường hay không cần phải đánh giá những diễn biến về cung – cầu ngoại tệ trong khoảng một tuần vừa qua, sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá 1%.

Ông Đinh Đức Quang, Phó TGĐ Ngân hàng Phương Đông cho biết: “Cung cầu ngoại tệ trên thị trường sau khi Nhà nước điều chỉnh tỷ giá diễn ra hết sức bình thường. Chúng tôi chưa thấy nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến từ bất kỳ thành phần hoạt động nào trên thị trường”.

Cầu không có gì đột biến, nguồn cung cũng được các ngân hàng thương mại tự tin rằng không thiếu vì các ngân hàng có thể vay giá rẻ như nước ngoài hay từ các định chế tài chính quốc tế để bù đắp kênh huy động ngoại tệ trong dân. Ở tầm vĩ mô, các chuyên gia cũng tin rằng nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam vẫn đang tăng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright cho rằng: “Trong 4 nguồn là thặng dư trên cán cân thương mại, nguồn kiều hối, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn ODA, theo số liệu mới tổng hợp của chúng tôi, chỉ có kiều hối chậm lại”.

Tuy nhiên, cung – cầu ổn định không có nghĩa sức ép lên tỷ giá đã hết chỉ có điều, sức ép đó không còn quá lớn. Kỳ vọng tỷ giá còn tăng thêm có thể vẫn còn nhưng thị trường hiện đã tin tưởng rất nhiều vào sự điều tiết tỷ giá của NHNN. Với nguồn dự trữ dồi dào lên đến 35 tỷ USD, NHNN có thể can thiệp thị trường bất cứ lúc nào nếu cần thiết để giữ được lòng tin của thị trường vào chính sách và nhà điều hành.


Hoài Linh (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.