Ngày 25-5, Quốc hội đã có phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011. Nhiều đại biểu băn khoăn vì số liệu báo cáo cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm minh, thất thoát trong xây dựng cơ bản ngày càng tăng, đầu tư dàn trải chưa được khắc phục.

Đề nghị sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp

Hôm qua, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp (DN) FDI. Quy định thời hạn đăng ký lại của DN FDI trong Luật Doanh nghiệp là một trong những bất cập từng được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nêu ra tại hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI hồi cuối tháng 3-2013. Tại hội nghị này, ông Lê Mạnh Hà cho rằng vì quy định DN FDI phải đăng ký lại mà nhiều DN đang sống phải chết, muốn mở rộng đầu tư lại vướng mắc.

Ưu đãi đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực KH-CN

Thảo luận về sửa đổi Luật Khoa học Công nghệ (KH-CN), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ để phát triển và thu hút nhân lực KH-CN, có các chính sách rõ ràng trọng dụng và sử dụng nhà khoa học. Tiếp thu các ý kiến này, dự thảo luật đã quy định một số ưu đãi cụ thể đặc biệt cho các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ KH-CN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng… Tùy theo tiêu chuẩn, có thể kể đến một số ưu đãi như: miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, được trang bị phương tiện và điều kiện làm việc thuận lợi, được hưởng lương và phụ cấp ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; bố trí nhà ở công vụ...

Theo Bộ KH-ĐT, đến ngày 31-5-2013 có 2.916 DN trong tổng số 6.000 DN FDI được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật DN năm 2005. Tổng vốn đăng ký của các DN nêu trên là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc DN không thực hiện thủ tục đăng ký là do họ muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động cũng như phương thức quản lý đã tồn tại ổn định trong nhiều năm. Ngoài ra, một số DN không đạt được nhất trí giữa các bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lại vì theo điều lệ DN, việc gia hạn hoặc tổ chức lại DN phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài trước đây. Do đó, việc không thực hiện thủ tục đăng ký lại của DN có vốn FDI đã làm phát sinh nhiều khó khăn cho hoạt động của DN cũng như công tác quản lý nhà nước.

Trước những bất cập trên, Chính phủ đề nghị sửa đổi Điều 170 Luật DN theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp FDI để cho phép các DN này được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với DN. Cho phép DN không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ DN.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc sửa đổi Điều 170 Luật DN là nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những DN đã hết thời hạn hoạt động mà còn tạo cơ sở pháp lý để DN chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là vấn đề có thể giải quyết và mang lại hiệu quả ngay cho các DN có vốn FDI cũng như hoạt động thu hút đầu tư. Thẩm tra dự án luật này, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ có bao nhiêu DN hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư đề nghị được cho đăng ký lại; bao nhiêu DN chưa hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được bổ sung, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Nếu được thông qua vào cuối kỳ họp này, luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2013.

Tăng kỷ luật ngân sách, tránh lãng phí tiền của dân

Không hài lòng vì kỷ cương tài chính bị buông lỏng, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) nêu NSNN chính là tiền thuế của nhân dân, vì thế Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát NSNN. Báo cáo quyết toán NSNN cần phân tích, chỉ rõ trách nhiệm những cơ quan, tổ chức sử dụng không hiệu quả ngân sách. “Năm 2011 là năm kinh tế hết sức khó khăn, việc sử dụng ngân sách không thể hiện đầy đủ trách nhiệm với nhân dân” - bà Võ Thị Dung nhận xét.

Năm 2011, thu ngân sách vượt tới 126.804 tỷ đồng (21,3%) so với dự toán nhưng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, số vượt thu này chủ yếu là do khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng (CPI năm 2011 tăng tới 18,13%). Số tăng thu quá lớn cũng thể hiện công tác lập dự toán chưa sát. Bên cạnh nguyên nhân lập dự toán thu mang tính “an toàn” còn do công tác dự báo chưa tốt, ảnh hưởng nhất định tới công tác chỉ đạo, điều hành NSNN. Đây là hạn chế mà Quốc hội đã có ý kiến nhưng chưa khắc phục được. Đáng lo ngại hơn là kỷ luật trong điều hành chi ngân sách. Trong bối cảnh năm 2011 phải thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng). Chi tăng nhưng số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình thêm về chi ngân sách: “Năm 2011 mục tiêu mà Quốc hội thông qua là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng chi đầu tư phát triển tăng tới 37%, chi xây dựng cơ bản tăng 34%. Việc điều hành chính sách tài khóa như vậy có thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hay không? Và tăng chi như vậy, hiệu quả của nó như thế nào, có tác động đến năm 2012 không mà GDP năm 2012 chỉ tăng 5,03%?”.

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), hiệu quả chi NSNN thấp là do nhiều cái không như: không đúng thời gian, không phân bổ hết vốn được giao, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu chương trình được duyệt, không đúng đối tượng mục tiêu, không sát thực tế... Ông Hùng cho rằng những cái không này tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển. Ông đề nghị phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp để người dân giám sát, bởi ngân sách là tiền của dân.

Báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 cho thấy, chi chuyển nguồn năm 2011 sang năm 2012 là 246.690 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng chi NSNN, trong đó số chuyển nguồn do chậm triển khai các nhiệm vụ là 32.720 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng chi NSNN, tăng 7.101 tỷ đồng so với năm 2010. Tình trạng chi chuyển nguồn lớn và có chiều hướng tăng cao rất nhanh trong những năm qua chậm được khắc phục đã làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng gần 1/4 ngân sách phải chuyển nguồn qua năm sau là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trong khi đó, đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) băn khoăn về việc xử lý vi phạm trong điều hành ngân sách còn chậm. Trên thực tế, nhiều sai phạm tài chính đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý. Nhưng đến 31-12-2012 mới thực hiện 71,62% tổng số kiến nghị xử lý về tài chính. Sai phạm trong chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính, nhưng tỷ lệ thực hiện lại thấp nhất (chỉ đạt 50,9%).

Trao đổi nhanh với báo chí bên lề Quốc hội ngày 25-5, tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết ông cần thời gian để bắt nhịp với công việc. Ông nói: Về chuyên môn thì kiểm toán và tài chính cũng có nhiều điểm tương đồng. Tôi đã làm công tác tài chính rồi, đó là yếu tố để có thể tiếp cận phương pháp làm kiểm toán. Kiểm toán hoạt động theo nguyên tắc trung thực, khách quan, theo quy định của pháp luật, vì vậy phải làm sao để tuân thủ theo các nguyên tắc. Tất nhiên cơ chế chính sách bây giờ có những cái đã chuẩn, có những cái cần điều chỉnh, tôi cần phải xem xét thực tế để kiến nghị.

Theo quy định, có những con số phải công khai, có những con số trong phạm vi chưa chính thức, không công khai được. Những gì kiểm toán công khai là những con số có thể cung cấp cho báo chí. Trong luật đã có quy định.

Lâm Nguyên

Bảo Minh (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.