28/12/2017 5:00 PM
CafeLand – Cơn sốt đất nền vùng ven, thanh tra hơn 60 dự án chuyển đổi “đất vàng”, loạt dự án bị ngân hàng siết nợ, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản… là những sự kiện nổi bật trong năm qua.

Cơn sốt đất nền vùng ven

Làn sóng mua bán đất nền đã xuất hiện ồ ạt từ năm 2016, nhưng phải đến những tháng đầu năm 2017 mới thực sự bùng phát mạnh mẽ, tạo thành cơn sốt đất. Giá đất ở một số khu vực tăng gấp đôi so với năm ngoái.Tại khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh ghi nhận giá đất tăng gấp 2-3 lần. Cần Giờ cũng biến động giá đất mạnh, tăng 70-150%, cá biệt nhiều vị trí tăng lên 200% trong vòng 12 tháng qua.

Bắt đầu từ quận 2, 9, Thủ Đức thuộc khu Đông, cơn sốt đất nền lan ra quận 7, 8, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh, rồi đến khu Tây Bắc như quận 12, Tân Phú, Bình Tân và 3 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Tình trạng sốt đất cũng diễn ra tại khu vực xung quanh sân bay Long Thành, Nhơn Trạch, cùng với đó là “cơn sóng” đầu cơ đất đón các đặc khu kinh tế tương lai như Phú Quốc, Vân Đồn.

Nguyên nhân sốt đất trong thời điểm đó là do việc một số khu vực có hạ tầng, giao thông được đầu tư hoàn thiện với các tuyến cao tốc, metro, cầu Cát Lái, Bình Khánh, thông tin ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn lên quận,… Giới đầu nậu, cò đất lợi dụng những thông tin trên để thổi giá, làm giá đất tăng ảo.

Một loạt dự án bất động sản bị thanh tra

Vào tháng 2, Bộ Tài chính có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành đình chỉ thi công và chuyển Thanh tra Chính phủ thanh tra 60 dự án trên “đất vàng” có dấu hiệu sử dụng đất trái quy định.

Trong đó, có 24 dự án ở Hà Nội, 11 dự án ở TP.HCM, các dự án còn lại nằm ở nhiều tỉnh thành như Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định và Quảng Ninh.

Ngoài ra, tại Đà Nẵng, cũng đã tiến hành rà soát quy hoạch và thanh tra các dự án trên bán đảo Sơn Trà sau khi phát hiện khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa do Công ty Cổ phần biển Tiên Sa làm chủ đầu tư bị phát hiện có 40 móng biệt thự được xây tại Sơn Trà khi chưa có giấy phép.

Bùng nổ tranh chấp chung cư

Từ đầu năm 2017 đến nay, hàng loạt tranh chấp căng thẳng đã nổ ra giữa cư dân và chủ đầu tư tại nhiều dự án chung cư từ giá rẻ cho đến cao cấp trên địa bàn Hà Nội - TP HCM. Các vấn đề tranh chấp, cư dân bức xúc vì chủ đầu bàn giao nhà không đúng tiến độ, chất lượng căn hộ không đảm bảo, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, cơi nới trái phép, PCCC...

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì có đến 105 chung cư đang có tranh chấp, trong đó, có 09 chung cư có tranh chấp rất gay gắt phức tạp. Điển hình như tại dự án Đạt Gia Residence, dự án Tân Bình Apartment, An Gia Star, An Gia Garden hay Saigonres Plaza, nhiều khách hàng cũng liên tục có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng phản ánh những sai phạm của chủ đầu tư như xây dựng không phép, chậm bàn giao căn hộ.

Ngân hàng siết nợ các dự án bất động sản

Vào tháng 6/2017, khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được thông qua, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố thông tin đấu giá công khai những dự án bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay không trả đúng hạn của các doanh nghiệp.

Thương vụ đầu tiên phải kể đến đó là dự án Saigon One Tower (34 Tôn Đức Thắng, quận 1) bị Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) thu giữ làm tài sản đảm bảo để xử lý khoản nợ lên đến hơn 7.000 tỷ của chủ đầu tư dự án này, hay VAMC siết nợ 8 lô đất trị giá hơn 2.418 tỷ đồng của tập đoàn Hoàn Cầu tại Sacombank, BIDV bán đấu giá dự án 584 Tân Kiên, Bình Chánh để xử lý khoản nợ xấu 1.100 tỷ,…

Bộ Xây dựng đề nghị TP.HCM cho xây căn hộ 25m2

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu không bắt buộc toàn bộ các dự án áp dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 45m2 như Luật Nhà ở năm 2005 quy định. Bộ xem xét cho phép xây dựng một tỉ lệ nhất định từ 20 đến 25% số căn hộ trong một dự án có diện tích nhỏ (25-45m2) đối với các dự án khu vực trung tâm. Dự án ngoài trung tâm có thể áp dụng tỉ lệ cao hơn.

Động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2 phục vụ các đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình nhỏ... tại các khu đô thị lớn. Tuy nhiên lãnh đạo TP.HCM vẫn nhất quán với chủ trương sẽ chưa cho phép triển khai các căn hộ có diện tích nhỏ.

Mua bán đất bằng giấy viết tay vẫn được cấp sổ đỏ

Theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/1/2008 được hợp thức hóa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Điều kiện để được cấp sổ đỏ là nhà, đất đó đang sử dụng ổn định, phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo yêu cầu về công khai, minh bạch, đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức sẽ là tối đa 15 ngày; việc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá tài sản thực hiện không quá 10 ngày; cấp lại sổ đỏ bị mất không quá 10 ngày….

Dòng vốn ngoại đầu tư mạnh vào bất động sản

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 với tổng vốn đăng ký 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất trong năm 2017 là khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 886 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư.

Nhiều thương vụ “thâu tóm” bất động sản lớn của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra như Tập đoàn China Fortune Land Development (Trung Quốc) đã chi hơn 65 triệu USD mua lại toàn bộ cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus; Capitaland (Singapore) mua lại dự án căn hộ có tổng giá trị đầu tư 177 triệu USD tại quận 4, TP.HCM;

Keppel Land (Singapore) mua lại 2 dự án ở Nam Sài Gòn và quận 9 với tổng chi phí phát triển của hai dự án này là 297 triệu USD; Hongkong Land cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác CII phát triển dự án căn hộ Thủ Thiêm River Park trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 400 triệu USD.

Tại Hà Nội, Growing Sun Investment mua lại dự án phức hợp cao cấp Diamond Rice Flower Complex rộng 4,2 ha từ Kinh Bắc City Group…

Giá vật liệu xây dựng đắt đỏ

Thị trường vật liệu xây dựng năm nay có nhiều biến động với đà tăng giá diễn ra ở nhiều loại, nhất là cát và thép xây dựng. Giá cát tại TP.HCM tăng đột biến từ 50-200% so với thời điểm đầu năm và hiện đang ở mức trên 600 ngàn đồng/m3.

Giá thép xây dựng cũng tăng cao, nguyên nhân được cho là do nhu cầu cao trong nước, do ảnh hưởng của thị trường thép Trung Quốc làm nguyên liệu đầu vào tăng giá và tâm lý “thổi giá” của các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh.

Việc tăng giá nhanh của vật liệu làm ngành xây dựng điêu đứng, nhiều nhà thầu xây dựng lâm vào cảnh thi công cầm chừng vì chí phí bị đội lên. Các Bộ ngành, địa phương đang phối hợp tìm vật liệu thay thế, giải quyết cán cân cung cầu, bình ổn giá của mặt hàng này.

Châu An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.