Các công trình xây dựng bắt buộc phải sử dụng vật liệu xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: HUY ANH
Việc sản xuất và sử dụng VLXKN không những gìn giữ đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn góp phần quan trọng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Song, vấn đề đặt ra là liệu có đủ VLXKN để đáp ứng các công trình xây dựng theo lộ trình đưa ra?
Mới đáp ứng được 8%
Thông tư 09 của Bộ Xây dựng quy định, không chỉ các công trình thuộc vốn ngân sách nhà nước mà những công trình cao tầng, từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây. Mặc dù thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, số lượng các công trình không còn xây dựng ồ ạt nhưng các công trình xây dựng nhà ở trong dân vẫn được thực hiện bình thường vì nhu cầu ở của người dân vẫn có.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, hiện các DN sản xuất VLXKN chỉ mới đáp ứng được khoảng 8% nhu cầu sử dụng trên cả nước. Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng, riêng TPHCM con số này cao hơn, đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu sử dụng trên địa bàn TP. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm tới, để có đủ VLXKN đáp ứng đủ 100% cho các công trình bắt buộc theo quy định vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi lẽ, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của TPHCM rất lớn, dự kiến khoảng 1.700 triệu viên gạch vào năm 2015. Với nhu cầu này, khi các lò gạch thủ công đã không còn, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển VLXKN nhưng cũng là một thách thức lớn. “Đó là chưa kể khi các công trình bắt buộc phải sử dụng các loại VLXKN giá thành của các loại VLXKN có đủ để cạnh tranh hay không? Hơn nữa, một khi cung không đủ cầu thì liệu thị trường vật liệu xanh này có bị làm giá hay không?” - ông Nhạn băn khoăn.
Cần sự chung tay của “3 nhà”
Giá thành là một trong những lý do khiến nhiều chủ đầu tư ngại sử dụng VLXD xanh trong công trình xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình phát triển VLXKN, trong đó bắt buộc công trình cao 9 tầng trở lên phải sử dụng 30% VLXKN loại nhẹ. Tuy nhiên, thực tế giá thành VLXKN còn cao và tâm lý sử dụng vật liệu nung phổ biến vẫn đang là trở ngại. Ngoài ra, dù đã có định mức xây dựng, nhưng Nhà nước chưa có chế tài cụ thể đối những loại công trình phải dùng vật liệu thân thiện môi trường. Do đó dẫn tới tình trạng các công trình áp dụng theo tiêu chuẩn này chủ yếu thuộc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn các công trình vốn ngân sách Nhà nước chưa sử dụng nhiều.
Nguyên nhân khiến giá thành các sản phẩm VLXKN cao do DN còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn chỉ nhập dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Một DN sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) cho biết, các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời đúng vào lúc nền kinh tế khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng… nên sản phẩm tiêu thụ chậm, sản xuất bị ngừng trệ do hàng tồn kho nhiều. Đó là chưa nói đến khả năng tiếp cận vốn của DN cũng rất khó khăn đã đẩy giá thành sản xuất gạch AAC hiện cao hơn gạch đất sét nung khoảng 20%. Đây cũng là rào cản khiến các loại VLXKN chưa thể đến gần với người sử dụng.
Mặc dù vậy, hiện nay trên thị trường vẫn có những sản phẩm VLXKN có giá thành bằng, thậm chí thấp hơn nhưng vẫn chưa thể phát triển được. Về việc này, ông Nhạn cho rằng, việc sử dụng loại vật liệu xanh thay thế những VLXD truyền thống xưa nay là một quá trình thay đổi suy nghĩ của người sử dụng, không thể một sớm chiều là có thể phát huy được. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền VLXKN để nhiều người biết đến tính ưu việt của loại VLXKN. “Cần có giải pháp mạnh, đồng bộ và phải có sự chung tay của cả 3 “nhà”: nhà tiêu thụ, nhà sản xuất và nhà quản lý” - ông Nhạn nói. Cụ thể, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm trong việc bắt buộc sử dụng VLXKN tại công trình ngay từ khâu lập dự án đầu tư, thẩm định dự án, cấp phép xây dựng; quy hoạch ngay vùng nguyên liệu, vùng sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó chú trọng đến VLXKN. Nhằm tạo điều kiện để các DN sản xuất VLXKN, góp phần phát triển VLXKN cũng như thực hiện được lộ trình mà Bộ Xây dựng đưa ra, ông Nhạn cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ về thuế như giảm thuế thu nhập cho DN, NHNN cần có những chính sách và các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi trung và dài hạn dành cho các DN trong lĩnh vực sản xuất VLXKN để DN có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất một cách bài bản. Bên cạnh đó, TP cần có những chính sách ưu đãi về giá cho thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp. Việc này ngoài tập trung các DN lại để giải quyết bài toán về môi trường còn tạo điều kiện giúp các DN sản xuất VLXKN giảm chi phí đầu vào, đưa ra các sản phẩm giá cả hợp lý trên thị trường.
Thông tư 09 của Bộ Xây dựng nêu rõ sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện việc sử dụng VLXKN theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay mới có quy định xử phạt về vi phạm chất lượng vật liệu xây dựng nhưng vẫn chưa có quy định về việc thực hiện áp dụng VLXKN trong các công trình. “Phải nhanh chóng sửa đổi NĐ 23/CP của Chính phủ và Thông tư 24 của Bộ Xây dựng về xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng, trong đó bổ sung thêm các mức xử phạt liên quan đến việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Trong đó, mức xử phạt phải đủ cao để có tính răn đe” - ông Nhạn đề nghị. |
-
Ngành thép: Không phải tất cả đều lao đao
Mặc dù nhiều doanh nghiệp ngành thép phá sản, đóng cửa hoặc giảm sản lượng, nhưng một số doanh nghiệp trong ngành vẫn cán đích lợi nhuận cả năm 2012 sớm hơn dự tính. Tăng trưởng của toàn ngành vẫn đạt 3% so với năm 2011.
-
Lối ra cho vật liệu không nung
Có mặt trên thị trường sau một thời gian dài nhưng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận, đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, một tin vui cho ngành VLXDKN từ năm 2013 các công trình xây dựng phải sử dụng VLXDKN để thay thế vật liệu xây truyền thống, công trình nào không tuân thủ sẽ bị phạt, theo quy định mới của Bộ Xây dựng.