03/12/2012 8:41 PM
Có mặt trên thị trường sau một thời gian dài nhưng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận, đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, một tin vui cho ngành VLXDKN từ năm 2013 các công trình xây dựng phải sử dụng VLXDKN để thay thế vật liệu xây truyền thống, công trình nào không tuân thủ sẽ bị phạt, theo quy định mới của Bộ Xây dựng.

Bắt buộc sử dụng

Cuối tháng 11, Bộ Xây dựng đã ký Thông tư 09/2012/TT-BXD hướng dẫn Quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2013. Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng VLXDKN theo lộ trình.

VLXDKN gồm gạch xi măng - cốt liệu; vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp), tấm tường thạch cao, tấm 3D; gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicat…).

Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXDKN kể từ ngày thông tư có hiệu lực. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN kể từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Bên cạnh đó, các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Về công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn. Những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

TPHCM tăng cường sử dụng VLXDKN

Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong quy hoạch phát triển VLXDKN tại TPHCM đến năm 2020, UBND TP đã đề ra định hướng phát triển VLXDKN để thay thế gạch đất sét nung truyền thống.

Theo đó, TP xác định rõ định hướng phát triển đối với VLXD là không khai thác đất sét sản xuất gạch xây nung, không đầu tư các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn TP. Khuyến khích các DN đầu tư các cơ sở sản xuất gạch không nung trong các khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP.

Sản xuất panel 3D tại một nhà máy VLXDKN.

Phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ, siêu nhẹ dùng làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới. Năm 2011, TP đã tổ chức và thực hiện thành công việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trên địa bàn (gồm 305 lò gạch thủ công của 94 cơ sở tại quận 9 và quận Thủ Đức).

Sở Xây dựng đã phối hợp với Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Hội Vật liệu Xây dựng, Hiệp hội Vật liệu Xây dựng TP tổ chức nhiều hội thảo khuyến khích phát triển VLXDKN; phối hợp với các tỉnh miền Đông Nam bộ tổ chức hội nghị, liên kết, hợp tác trong nhiều lĩnh vực VLXD, nhằm tạo điều kiện cho các DN VLXD có thể phát triển mạnh tại các tỉnh.

Sở Xây dựng đã trình UBND TP Chỉ thị khuyến khích và tăng cường sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM, trong đó tham mưu các công việc cụ thể của các sở, ngành và đơn vị có liên quan, nhằm triển khai thực hiện chương trình một cách hiệu quả tại TPHCM.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch. Đến năm 2020, khối lượng gạch xây dựng sẽ tăng gấp đôi. Các nhà chuyên môn tính toán, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75ha đất nông nghiệp với độ sâu 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 (gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường).

Năm 2020, nhu cầu vật liệu xây của cả nước khoảng 42 tỷ viên gạch quy chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57-60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800-3.000ha đất nông nghiệp. Đồng thời, tiêu hao khoảng 5,3-5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn CO2.

Vì thế sử dụng VLXDKN không những bảo vệ được nhiều cánh đồng sản xuất mà còn tận dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường sống.

Theo Minh Tuấn (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.