18/01/2012 12:27 PM
Vài ngày sau quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của 9 nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã có động thái tương tự với Quỹ giải cứu Eurozone (EFSF).

Niềm tin bị lung lay


Trong thông cáo báo chí, S&P cho biết quyết định này là không thể tránh khỏi khi 2 nước bảo lãnh của Quỹ EFSF là Pháp và Áo bị hạ xếp hạng tín nhiệm vàng AAA. Tổ chức này còn cảnh báo, xếp hạng của Pháp và Áo có khả năng bị hạ tiếp trong năm 2012 và 2013 do nguy cơ suy thoái kép tại các quốc gia này. Việc hạ bậc này là một đòn mới giáng vào niềm tin EFSF sẽ là cứu tinh giúp Eurozone vượt qua được khủng hoảng.


Giống như cuối tuần trước, giới chức châu Âu đã làm tất cả những gì có thể để chứng tỏ việc S&P hạ bậc tín nhiệm của EFSF không phải là một thảm họa. Trong tuyên bố của mình, EFSF nhấn mạnh rằng, xếp hạng ngắn hạn của quỹ vẫn ở mức cao nhất theo đánh giá của S&P. Giám đốc điều hành EFSF, ông Klaus Regling cho biết: "Việc bị hạ xuống mức AA+ chỉ bởi duy nhất một hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng sẽ không làm suy giảm khả năng cho vay của EFSF". Đồng thời, khẳng định quỹ này có đầy đủ công cụ để hoàn thành các cam kết của mình theo các chương trình điều chỉnh hiện tại và trong tương lai cho tới khi Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) hoạt động vào tháng 7/2012. Bộ trưởng Tài chính Pháp Francói Baroin và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tỏ ra bình tĩnh với quyết định này của S&P và nhấn mạnh không cần thiết phải chống đỡ cho EFSF do qũy hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện các cam kết của mình. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Mario Draghi tỏ ra hoài nghi về tầm quan trọng của các hãng xếp hạng tín dụng và ảnh hưởng của nó đối với các nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung.


Đường vẫn còn dài


Tháng 5/2010, trong nỗ lực giải cứu châu Âu, các nhà lãnh đạo Eurozone đã quyết định thành lập EFSF như là một công cụ cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho Ireland và Bồ Đào Nha. Sắp tới, EFSF sẽ đóng góp cho gói cứu trợ thứ 2 của Hy Lạp nếu kế hoạch thương thảo với các nhà cho vay cá nhân đạt được kết quả khả quan. Quỹ này hiện có khả năng cho vay 440 tỷ Euro, phụ thuộc vào các nhà bảo lãnh, chủ yếu là các nước có xếp hạng AAA trong Eurozone. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 4 nước vẫn giữ được "xếp hạng vàng" là Đức, Luxembourg, Phần Lan và Hà Lan. Trên thực tế, ngay từ khi EFSF ra đời và mở rộng quy mô, nhiều chuyên gia tài chính đã cảnh báo Quỹ này có thể gặp thất bại trong sứ mệnh giải cứu châu Âu khỏi khủng hoảng nợ công. Nguyên nhân chủ yếu là do quỹ này có nhiều nhà tài trợ đang trong diện cần tài trợ như Bồ Đào Nha, Italia. Đặc biệt, trong trường hợp phải tái cơ cấu nợ quốc gia và ngân hàng, những nhà tài trợ của EFSF sẽ phải phát hành trái phiếu để huy động tiền mặt, từ đó càng làm tăng mức nợ của Eurozone. Khi đó, EFSF không những không giải quyết được căn bệnh nợ công của khu vực mà còn trở nên trầm trọng hơn.


Bên cạnh việc hạ xếp hạng tín nhiệm của EFSF, S&P còn cho rằng, nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ là có thể xảy ra sau khi nước này thất bại trong đàm phán với các chủ nợ hôm 13/1. Nếu các chủ nợ tư nhân không tình nguyện xóa nợ, khoản cứu trợ quốc tế thứ 2 dành cho Hy Lạp trị giá 130 tỷ Euro có thể sụp đổ trong khi Athens phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi 14,5 tỷ Euro trái phiếu đáo hạn vào cuối tháng 3 tới. Rõ ràng, những động thái trên của S&P đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà cho rằng con đường để châu Âu thoát khỏi khủng hoảng vẫn còn rất dài.

Theo Chi Tâm (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.