Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa cải thiện mức đánh giá rủi ro quốc gia đối với ngành ngân hàng (BICRA) của Việt Nam. Cùng với đó, 3 ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng vừa được tổ chức này nâng hạng tín nhiệm.

Đánh giá tín nhiệm mà S&P dành cho Việt Nam hiện ở mức ‘BB-/B’, triển vọng ‘ổn định’.

Thông báo do S&P công bố ngày hôm nay (26/9) cho biết, đánh giá BICRA mà tổ chức này dành cho Việt Nam đã được tăng một hạng, lên nhóm ‘9’ từ nhóm ‘10’ trước đó. BICRA là “đánh giá rủi ro quốc gia đối với ngành ngân hàng” (BICRA - Banking Industry Country Risk Assessment).
Theo S&P, điểm về rủi ro kinh tế của Việt Nam được cải thiện thành mức ‘9’ từ mức ‘10’ trước đó.
Cơ sở cho thay đổi này là tốc độ tăng trưởng tín dụng và giá tài sản đã giảm sau những chính sách bình ổn của Chính phủ Việt Nam. “Các động thái chính sách mà Chính phủ Việt Nam bắt đầu thực hiện từ năm 2011 để bình ổn nền kinh tế đã làm giảm tốc độ tăng trưởng vốn vay và cải thiện sự ổn định giá tài sản. Điều này đã làm giảm rủi ro về mất cân đối kinh tế”, thông báo của S&P có đoạn viết.
Báo cáo lấy dẫn chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã giảm còn 14,5% trong năm 2011 từ mức trung bình 28% trong 4 năm trước đó. Hạn chế cho vay đối với những lĩnh vực như chứng khoán và bất động sản đã giúp hạ nhiệt giá tài sản. Lạm phát đã giảm về mức 6,5% trong tháng 9/2012, từ mức đỉnh 23% trong tháng 8/2011.
S&P đánh giá rằng, Chính phủ Việt Nam có mức độ hỗ trợ cao đối với ngành ngân hàng trong nước. “Chúng tôi đã quan sát thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các định chế có tầm quan trọng hệ thống, bao gồm việc bơm vốn”, báo cáo viết.
Do đánh giá BICRA của Việt Nam tăng, S&P tuyên bố nâng mức điểm tín nhiệm neo (anchor rating, xuất phát từ đánh giá tín nhiệm quốc gia) đối với một ngân hàng thương mại chỉ có hoạt động ở Việt Nam lên mức ‘b+’ từ mức ‘b’ trước đó. Ngoài ra, đánh giá năng lực tín dụng độc lập (SACP) của tất cả các ngân hàng Việt Nam được S&P xếp hạng tín nhiệm cũng tăng thêm một bậc.
Đánh giá tín nhiệm mà S&P dành cho Việt Nam hiện ở mức ‘BB-/B’, triển vọng ‘ổn định’.
Báo cáo của S&P cũng cho rằng, Việt Nam có một nền kinh tế thu nhập thấp, hệ thống tài chính còn đang phát triển, và khung chính sách chưa hoàn thiện, làm ra tăng mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước những cú sốc. Nhưng theo S&P, những yếu kém đó được bù lại một phần bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ngay sau khi cải thiện đánh giá đối với ngành ngân hàng Việt Nam nói chung, S&P công bố thêm một báo cáo về nâng đánh giá tín nhiệm đối với 3 ngân hàng Việt Nam, trong đó nâng tín nhiệm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lên mức ‘BB-/B’ từ mức ‘B+/B’ trước đó, triển vọng duy trì mức ‘ổn định’.
Hai ngân hàng được S&P giữ nguyên định mức tín nhiệm trong đợt đánh giá này là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Đánh giá tín nhiệm mà S&P dành cho hai ngân hàng này hiện ở mức ‘B+/B’, triển vọng ‘ổn định’.
Theo An Huy (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.