CafeLand – Ngoài việc xin đổi tên Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng như được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc lập quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn một số bước để đẩy nhanh tiến độ.

Một đoạn sông Hồng nhìn từ trên cao. (Nguồn ảnh: vovworld.vn).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đồ án theo quy trình đặc biệt.

Cụ thể, Bộ này xin phép điều chỉnh tên Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng đã được giao tại văn bản số 766/TTg - KTN thành Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Đồng thời, xin thực hiện việc lập quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn một số bước, lồng ghép bước lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước với bước lập quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bổ sung nhiệm vụ, kinh phí năm 2016 cho Bộ khẩn trương triển khai việc xây dựng quy hoạch.

Ngoài ra, cho phép mời một số chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về xây dựng quy hoạch lưu vực tham gia tư vấn, hỗ trợ, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng Quy hoạch.

Trước đó, liên quan đến việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), gây nóng dư luận, Thủ tướng đã có văn bản số 766/TTg – KTN trả lời vấn đề này.

Theo đó, Thủ tướng nêu rõ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là sẽ mở ra một tuyến vận tải thông suốt trên sông Hồng từ Lạch Giang (Nam Định) qua Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái tới Quý Xa (Lào Cai).

Tổng vốn đầu tư dự án này dự kiến lên tới khoảng 24.500 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Trong đó, 30% là vốn tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.