16/01/2021 2:25 PM
Dù đã rất quyết tâm, nhưng nhiều năm qua, Hà Nội vẫn chưa thể phê duyệt được quy hoạch phân khu hai bờ sông Hồng. Vậy, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thể hiện sự sốt ruột khi nói về những tồn tại hai bên bờ sông Hồng, nhất là khu vực qua địa bàn Hà Nội mà nguyên nhân là do quy hoạch phân khu chưa thể thực hiện.

“Về việc cải tạo chỉnh trang khu vực bãi sông, chúng tôi rất muốn vừa là làm sao phát triển khu vực bãi sông, vừa đảm bảo đúng luật pháp để phát triển Thủ đô. Mỗi lần đi kiểm tra khu vực bãi sông là thấy những tồn tại mà chúng ta không thể để như thế này được. Nhưng để đảm bảo được việc này, rất mong thành phố xây dựng phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô”, ông Trần Quang Hoài nói.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 8/7/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, vướng mắc quy hoạch đã kìm hãm phát triển ở khu vực này, các nhà đầu tư không dám đầu tư, các công trình đều "án binh bất động”. Do không có quy hoạch hai bên sông Hồng nên nhiều nguồn lực bị lãng phí.


Hà Nội vẫn chưa thể “chốt” được quy hoạch hai bên sông Hồng.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, muốn quy hoạch được hai bên bờ sông Hồng thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất. Vì vậy, Hà Nội xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương, hướng dẫn, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

“Phải phủ kín những quy hoạch theo quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô hiện có mà Thủ tướng đã phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhất là vấn đề quy hoạch hai bờ sông Hồng, phủ kín các quy hoạch về sông Hồng. Sử dụng được nguồn tài nguyên, nhất là vùng bãi ven sông. Muốn quy hoạch hai bờ sông Hồng, rồi dọc các bờ sông khác thì vấn đề thoát lũ là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề quy hoạch, phát triển các nguồn lực của Hà Nội cũng rất quan trọng”, ông Vương Đình Huệ cho hay.

Dưới góc nhìn của Tư lệnh ngành, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong quy hoạch thiết kế đô thị, cùng với trục hai bên sông Tô Lịch, Láng Hòa Lạc, hồ Tây thì quy hoạch hai bên bờ sông Hồng vô cùng quan trọng trong quy hoạch và thiết kế đô thị của Hà Nội. Hiện, quy hoạch hai bên sông Hồng đang vướng vào quy hoạch thoát lũ, nhưng nếu tất cả tập trung nghiên cứu, xử lý thì chúng ta vẫn đạt được yêu cầu của ngành nông nghiệp là phòng, chống thiên tai, mà vẫn khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hai bên bờ sông Hồng.

“Khu vực hai bên bờ sông Hồng có thể nói rất quan trọng. Đây là khu vực đi sâu vào tiềm thức không chỉ của người dân Hà Nội mà là người dân cả nước khi đến Hà Nội. Về việc này chúng ta gặp nhiều cái khó, nhất là liên quan đến phòng chống thiên tai, Luật đê điều phòng chống thiên tai, yêu cầu bảo vệ Thủ đô khi có mưa lũ, trường hợp bất khả kháng”, ông Phạm Hồng Hà bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thừa nhận, việc chậm quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đồng thời cho biết, sau khi quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định 257 năm 2016), Hà Nội đã triển khai ngay quy hoạch chi tiết, nhưng đang làm dở thì theo Luật mới, phải bàn giao lại cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do vậy, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng tiếp tục phải dừng lại.

Ông Phạm Quốc Tuyến cho biết: “Giải pháp khắc phục, trong thời gian vừa qua, cả sông Hồng và sông Đuống đều liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi đã đề xuất với UBND thành phố và gửi trước đề án quy hoạch sông Đuống, sau đó cố gắng trong tháng 1/2021 sẽ gửi tiếp quy hoạch sông Hồng để xin ý kiến trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cơ quan phụ trách vấn đề này.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những nội dung nào phù hợp chúng tôi sẽ làm, những nội dung nào vượt quá thẩm quyền thì chúng ta báo cáo Thủ tướng”.

Khu vực hai bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội là khu vực có nhiều tiềm năng, với diện tích gần 11.000 ha, khoảng 900.000 người dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến huyện Phú Xuyên. Việc sớm phê duyệt được quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ là bước đột phá, không chỉ giúp Hà Nội giải được bài toán quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển đô thị hiện đại, bảo vệ môi trường, mà còn tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân…/.

Huy Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.