Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, thị
trường bất động sản Hà Nội năm 2011 sẽ tiếp tục diễn ra tương tự như kịch bản
năm 2010. Sẽ có những cơn "sốt" mang tính nhất thời và cục bộ, không
phải bắt nguồn từ quan hệ cung cầu, mà hoàn toàn từ các nguyên nhân khác mang
tính hình thức như thông tin về quy hoạch, kỹ thuật đẩy giá của các nhà đầu
tư... Nhiều chuyên gia bất động sản cũng có chung nhận định như vậy. Điều này
cho thấy, ngoài biến động giá cả thế giới, kinh tế thiếu ổn định... thì vấn đề
quy hoạch và chính sách quản lý thị trường là hai yếu tố quan trọng nhất tác
động đến những cơn sốt nhà, sốt đất.
Cùng với những cơn nóng lạnh của thị trường bất động sản là nạn giao dịch ảo,
giao dịch ngầm. Không ai có thể thống kê chính xác được số vụ giao dịch này
trên thị trường bất động sản tự do, nhưng theo một chuyên gia về lĩnh vực này
nhận định, tỷ lệ khoảng 50-50. Và với thực tế quản lý hiện nay, khi không ít
thủ tục hành chính còn vướng mắc, bất cập thì tất yếu sẽ dẫn đến những giao
dịch ngầm. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nhận định rằng các cơ quan chức năng
chưa kiểm soát được hoạt động này. Điều này cũng không khó lý giải, bởi muốn
quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản phải có một định hướng lớn và sự phối
hợp của nhiều cấp, nhiều ngành về nhu cầu, quy hoạch, hệ thống thông tin, chính
sách thuế, phòng chống tham nhũng... nhưng chúng ta chưa có sự phối hợp đó. Còn
nếu như sử dụng biện pháp hành chính để điều tiết thị trường sẽ dẫn đến những hệ
lụy khó lường.
Một khi quy hoạch chưa ổn định, thiếu khoa học, không dự báo hết nhu cầu, chính
sách thuế chưa điều tiết được tình trạng đầu cơ, găm giữ đất đai… thì việc liên
tục có những cơn "sốt" nhà, đất bất thường là không thể tránh khỏi.
Do vậy, để hạn chế thực trạng này trước hết phải bắt đầu từ những vấn đề căn
cốt nhất là quy hoạch và các định chế pháp luật. Quy hoạch cần đi trước một
bước với yêu cầu minh bạch về thông tin, cùng với việc làm rõ khả năng cung cầu
về nhà ở nói riêng và bất động sản nói chung theo từng phân khúc thị trường. Từ
đó tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu. Tiếp đến là các định chế pháp luật để có thể
minh bạch thông tin về thu nhập cá nhân, tài sản cá nhân với hệ thống quản lý
đất đai; các quy định về thuế… để hạn chế và xóa bỏ dần nạn đầu cơ và những
tiêu cực trên thị trường bất động sản.
Ngoài chuyện gây ra thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, những giao dịch
"ngầm", những cơn "sốt" ảo đang đẩy giá nhà, đất lên quá
cao so với thu nhập trung bình của người dân, để rồi kéo theo không ít vấn đề
gây mất ổn định xã hội. Chưa kể bong bóng bất động sản tiếp tục phình to có thể
đẩy tới những hậu quả khôn lường cho nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh đang
phải gồng mình trước vô vàn khó khăn. Đã đến lúc phải ngăn chặn những giao dịch
ngầm, những cơn sốt ảo trên thị trường bất động sản nếu không muốn trả giá quá
đắt cho hệ lụy mà nó mang lại.