25/01/2021 4:45 PM
Hàng trăm chung cư cũ hư hỏng nặng, đe dọa cuộc sống người dân nhưng khó di dời để xây mới do vướng quy định phải được 100% cư dân đồng ý.

Chung cư Trúc Giang, số 41/1 Lê Văn Linh, phường 13 (quận 4) xây trước năm 1975 hiện xuống cấp nghiêm trọng. Khu vực trần nhà ở hành lang các lô hầu hết bị bong tróc, lộ rõ những thanh sắt, hoen rỉ, ngả màu nâu đen. Nhiều mảng bêtông oằn theo những vết nứt, chực rơi xuống đất. Dây điện, dây cáp chạy chằng chịt trên cao ở các lối đi, các hộp điện mục nát, hư hỏng, nằm ngả nghiêng.

Lan can chung cư Trúc Giang hư hỏng nặng, nguy hiểm cho cư dân sống tại đây. Ảnh: Hà An.

Sống nhiều năm ở chung cư, bà Nguyễn Thị Thanh, 54 tuổi, cho biết tòa nhà bị hư hại nặng. Mỗi lần 2 cháu nhỏ 4 và 6 tuổi ra ngoài hành lang chơi, bà phải nhắc nhở không đến khu vực lan can dễ xảy ra tai nạn. Mỗi khi ra khỏi nhà, bà Thanh phải đội nón bảo hiểm, đề phòng mảng vữa trần chung cư nứt nẻ rơi vào đầu.

Những hộ dân tầng cao nhất phải đối mặt tình trạng thấm dột khi mưa lớn. Anh Thành, 33 tuổi ở lô A cho hay, hầu như năm nào phần mái căn hộ cũng được trám xi măng không cho nước theo kẽ nứt chảy vào. Dù vậy những khi mưa to, nước vẫn tràn tới phòng ngủ, cả gia đình anh phải "di tản" sang nhà bố mẹ. "Bây giờ tôi không cần nhà đẹp, mà chỉ cần an toàn", anh Thành nói.

Năm 2018, chính quyền tìm được nhà đầu tư xây mới chung cư Trúc Giang. Chủ đầu tư dự tính tái định cư tại chỗ với tỷ lệ quy đổi 1m2 căn hộ cũ bằng 1,1 m2 căn hộ mới. Hộ nào không ở sẽ bán cho chủ đầu tư giá 27,5 triệu đồng m2. Cho rằng đề xuất này không phù hợp bởi giá thị trường 40-50 triệu đồng mỗi m2, nhiều cư dân không đồng ý. Dự án sau đó vướng thủ tục pháp lý, không thể giải phóng mặt bằng khiến chủ đầu tư rút. Việc xây mới chung cư rơi vào bế tắc.

Sau hơn một năm vận động, đến nay 119 hộ dân chấp thuận qua chung cư Phú Thọ, quận 11, cách đó chừng 8 km. Tuy nhiên, vẫn còn 4 hộ dân sống ở tầng trệt chung cư chưa chịu di dời. Điều này khiến chính quyền không thể rào chắn, cắt điện, nước và thực hiện các bước tìm nhà đầu tư mới xây dựng chung cư.

Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trinh, Chủ tịch UBND phường 13 (quận 4), trong tuần này phường lần thứ 5 mời bốn hộ dân để thuyết phục bàn giao nhà, chuyển sang nơi ở mới. Các đề nghị được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước của hộ dân vẫn được xem xét, nhưng trước mắt chung cư phải được giải tỏa trước Tết, đảm bảo an toàn người dân.

Tường nhà nứt nẻ, bong tróc, dây điện chằng chịt ở chung cư Vĩnh Hội. Ảnh: Hà An.

Cách chung cư Trúc Giang chừng một km, chung cư Vĩnh Hội, phường 6 (quận 4) cũng xuống cấp trầm trọng. Quận 4 kêu gọi được một số nhà đầu tư đăng ký xây mới. Tuy nhiên, chỉ 18 trong số 244 hộ chấp nhận di dời, nhận tiền hỗ trợ mỗi người 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Tháng 4/2020, thành phố bố trí tạm cư tại chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh nên việc hỗ trợ từ tiền chuyển sang nhà ở.

Điều bất tiện chỗ ở mới cách xa nơi sống hiện tại, gây khó khăn cho đi lại, học tập, làm việc nên nhiều cư dân phản đối. Sau đó, quận 4 bố trí nơi tạm cư mới ở chung cư Tân Mỹ, quận 7, gần chỗ cư dân đang sống. Phương án này được đa số người dân đồng tình, một số ít còn lại đang được vận động để di dời. Dự kiến việc chuyển cư dân thực hiện sau Tết Nguyên đán.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND phường 6, quận 4, việc vận động thuyết phục người dân gặp nhiều khó khăn bởi nhiều người quen sống ở nơi cũ, không muốn thay đổi. Một số người bám trụ nơi ở cũ với tâm lý lựa chọn nhà đầu tư thích hợp, có kế hoạch tái định cư rõ ràng.

"Đó là những nhu cầu chính đáng của người dân. Nhưng trước tình trạng chung cư xuống cấp, việc di dời là bắt buộc để đảm bảo tính mạng, tài sản của họ, chúng tôi mong người dân hợp tác chính quyền", ông Tiến nói và cho biết hiện tường chung cư có nhiều vết nứt chạy dài, có vết nứt hở hơn 2 cm. Lan can ở các hành lang, nứt vỡ, lộ các rãnh lớn, gây nguy hiểm cho cư dân, nhất là trẻ em.

Vì những lý do chưa thống nhất giá đền bù, chỗ tạm cư, căn hộ mới... mà nhiều chung cư cũ ở TP HCM không thể cải tạo, xây mới. Thành phố hiện có 474 chung cư xây trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng cần phải sửa chữa, xây mới. Trong đó, 15 chung cư cấp D (cấp nguy hiểm) phải tháo dỡ. Tuy nhiên 4 năm qua, thành phố chỉ làm mới hai chung cư cũ ở số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) và lô B chung cư Nguyễn Kim (quận 10) với 876 căn hộ.

Chung cư Ngô Gia Tự ở quận 10 bị hư hỏng nặng nhưng chưa thể tháo dỡ để đầu tư xây mới. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, khó khăn nhất hiện nay là việc vận động người dân di dời vì theo quy định phải 100% cư dân đồng ý. Trước thực trạng này, mới đây UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng thay đổi Nghị định 101/2015 về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Với đề xuất mới, nhà nước sẽ tháo dỡ những chung cư hư hỏng nặng thực hiện dự án khi có từ 50% cư dân đồng ý. Chủ đầu tư khi xây chung cư mới có thể hoán đổi căn hộ có diện tích bằng hoặc lớn hơn đảm bảo quyền lợi cư dân

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, đề xuất nói trên của UBND thành phố là cần thiết. Hiệp hội đang kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định phá dỡ chung cư phải được toàn bộ cư dân chung cư nhất trí.

Ông Châu kiến nghị cần có quy định ưu đãi về chỉ tiêu dân số nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia xây mới chung cư cũ. Việc này để đảm bảo đủ quỹ nhà tái định cư tại chỗ và chủ đầu tư có thêm căn hộ để bán, thu hồi vốn và có lãi. Ngoài ra, nhà nước cần nghiên cứu miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong xây mới chung cư cũ.

Mới đây làm việc với UBND TP HCM, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết do một số vướng mắc của Nghị định 101/2015 khiến việc cải tạo, xây mới chung cư cũ đạt kết quả rất thấp. "Cả nước có khoảng 2.500 chung cư cũ, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, đến cuối năm 2020, chỉ có 1% trong số này được cải tạo, xây mới", ông Sinh nói và cho hay Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 101.

Chủ đề: Chung cư cũ
Hà An (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ

    Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ

    Tối 6.3, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm các tòa: G6A, G6B, G22, G23, G24 (phường Thành Công). Trong đó, toà G...

  • Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ

    Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ

    Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27.11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay....

  • Những điều cần biết trước khi mua chung cư

    Những điều cần biết trước khi mua chung cư

    Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.