Ba toà nhà cao tầng nằm biệt lập với bốn bề là ruộng lúa, không trường học, không chợ, không đèn đường…

Hàng quán nhếch nhác trước tòa nhà 19T6, 19T5. Ảnh L.M

Đó là vài nét “chấm phá” về khu nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) Kiến Hưng, quận Hà Đông - nơi mà chủ đầu tư từng hứa hẹn “là một không gian sống văn minh hiện đại”.

Hào hứng mua, hờ hững nhận

Sau “cơn sốt” mua nhà TNT tại tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (tháng 9/2010), người dân các quận của Thủ đô lại hồ hởi xếp hàng nộp đơn, bốc thăm để được mua nhà TNT tại khu tái định cư Kiến Hưng (tháng 5/2011) cũng do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư. Cùng thời điểm chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai bán hồ sơ, trong khi một số khu nhà TNT khác ế ẩm (khu nhà ở TNT Đặng Xá, Gia Lâm cũng nhận hồ sơ cùng thời điểm nhưng đến đầu 2013 vẫn ra thông báo tiếp tục nhận hồ sơ) thì tỷ lệ chọi để được mua nhà TNT Kiến Hưng vẫn là 1 chọi 3.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi đã được mua nhà, nhiều người bắt đầu phải đối mặt với nỗi lo vay tiền để trả theo các đợt chủ đầu tư thông báo. Rồi thị trường bất động sản “đóng băng”, giá bán các khu nhà ở thương mại liên tiếp giảm. Cách khu nhà TNT Kiến Hưng không xa, nhà ở thương mại của khu Đại Thanh được rao bán chỉ 10 triệu đồng/m2, thấp hơn cả giá nhà dành cho người thu nhập thấp Kiến Hưng (10,3 triệu đồng/m2).

Nhiều người đã phải làm đơn gửi chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai xin giãn tiến độ nộp tiền. Giáp ngày hết hạn bàn giao nhà (15/3/2013), thông tin từ chủ đầu tư đưa ra thì mới có khoảng 60% người dân đã đến nhận nhà (đã đóng đủ tiền mua nhà). Nếu xin rút hồ sơ không mua nhà sẽ phải nộp phạt 40 triệu đồng, nên người dân ngậm ngùi “đã đâm lao phải theo lao”. Nhưng nỗi lo của những người dân nghèo Thủ đô (một trong những tiêu chí để được mua nhà ở TNT là có thu nhập dưới mức thu nhập bình quân của Hà Nội) chưa hết, khi dọn về ở khu nhà TNT Kiến Hưng, người dân mới giật mình bởi cuộc sống biệt lập, thiếu thốn.

Khốn khổ với “không gian sống văn minh, hiện đại”

Quy mô của dự án khu nhà ở cho người TNT Kiến Hưng gồm 5 tòa nhà 19 tầng, được xây dựng trên diện tích 8.276 m2 với hơn 140.000 m2 diện tích sàn xây dựng. Trong đó, Vinaconex Xuân Mai đảm nhiệm 3 tòa cao 19 tầng là 19T3, 19T5 và 19T6 với tổng số 864 căn hộ, diện tích sàn xây dựng hơn 86 nghìn m2, tổng mức đầu tư 565 tỷ đồng. Theo quảng cáo của chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai: “Các tòa nhà được thiết kế theo kiến trúc hiện đại, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ được đấu nối hoàn chỉnh với hạ tầng của toàn khu như: Nhà trẻ, trường Tiểu học, trường THCS, chợ, trung tâm y tế, công viên, khu thể thao giải trí... Đem lại một không gian sống văn minh hiện đại”.

Tháng 11/2012, tòa nhà 19T5 được Vinaconex Xuân Mai khánh thành và bàn giao cho người dân. Đầu năm 2013, đơn vị này tiếp tục bàn giao các căn hộ ở hai toà nhà còn lại là 19T5 và 19T6. Thế nhưng, sau hơn nửa năm người dân đến sinh sống, hạ tầng khu nhà vẫn đang bị bỏ hoang. Theo cách nói của chị Diệp (tòa nhà 19T3): “Chỉ có 3 tòa nhà mọc lên trên bãi đất trống”.

Chị Diệp cho hay, do ở đây không có chợ nên chị phải đi mua thức ăn cho cả tuần tại chợ Vồ hay chợ Hà Đông. Con cái thì vẫn phải học ở nơi ở cũ, hai vợ chồng chị chia nhau mỗi người đón một đứa mới kịp giờ tan học của các cháu. “Những tiện ích tối thiểu cho cuộc sống cũng khó khăn, đường vào xa trung tâm mà không có điện đường, điện sinh hoạt thỉnh thoảng cũng mất. Khu nhà mới được lắp đồng hồ cho các hộ dân, trước đó điện, nước đều đóng bình quân như nhau là 300 nghìn đồng/hộ. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau, khu mình “ăn đứt” các khu nhà ở khác là đêm vẫn được nghe tiếng dế, giun, ếch, ban ngày thì được nhìn bò, dê vào ăn cỏ”, chị Diệp nói.

Chủ đề: Nhà thu nhập thấp,
Lê Minh ( Báo Gia đình và Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.