Nhà cửa xuống cấp trầm trọng, bà Ngô Thị Qua (tổ 22, phường Hòa Hải) vẫn không dám sửa chữa do nằm trong quy hoạch dự án công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Thanh Trần.
Triển khai hay không, phải trả lời!
Dự án được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt vào năm 2009, với diện tích gần 139 ha, bao quanh năm ngọn núi, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Ý tưởng của dự án này không chỉ là không gian văn hóa lịch sử mà còn là sản phẩm du lịch, cơ hội để phát triển hơn nữa nghề đá…Tuy nhiên, đó chỉ là viễn cảnh trên giấy, bởi sau khi tiến hành đo đạc, kiểm kê đất đai, nhà cửa, ruộng vườn và áp giá đền bù, hàng trăm hộ dân vẫn mỏi mòn chờ suốt 9 năm nay mà không hề có động thái gì.
Nhà ông Lê Quả (tổ 22) được áp giá đền bù 260 triệu đồng, đến giờ vẫn chưa nhận được đồng nào. Hiện tại nhà ông đã rệu rạo, các mảng tường nứt nẻ, dễ đổ sập trong mùa mưa bão song ông không dám sửa chữa vì nhà nằm trong diện quy hoạch dự án. Cùng cảnh ngộ, bà Ngô Thị Qua (61 tuổi, tổ 22) cũng cầm bảng tính giá đền bù hơn 400 triệu suốt 9 năm nay, mệt mỏi chờ đợi trong khi nhà xuống cấp trầm trọng.
Phía dưới phòng bếp, vết nứt hở chạy dọc ngang trên tường. Nghiêm trọng hơn, sàn nhà bà đã bị sụp, chỉ cần đập nhẹ là gạch men sập xuống vỡ vụn. Bà Qua lo sợ một ngày nền nhà sẽ thành cái hố. “Bà con chúng tôi cần nghe câu trả lời cho dứt khoát, có tiến hành dự án hay không, nếu không thì để chúng tôi tính chuyện tu sửa nhà cửa. Còn triển khai thì nhanh chóng đền bù, bố trí chỗ ở. Chứ giờ cứ thấp thỏm đi không được, ở cũng không xong, đổ tiền ra sửa nhà, mai mốt họ không đền bù thì biết làm thế nào?”, bà bức xúc.
Không chỉ vậy, dự án treo này còn ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của các hộ dân. Ruộng vườn bị thu hồi, họ không có đất đai sản xuất, phải chật vật làm thợ đụng. Sau khi dự án thu hồi 5 sào ruộng, gia đình ông Mai Xuân Hòa chỉ biết trông cậy vào mảnh vườn nhỏ trước nhà để đắp đổi qua ngày. Một số hộ khác tận dụng đất thu hồi bỏ hoang canh tác.
Vẫn đang tìm chủ đầu tư
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, dự án Công viên văn hóa lịch sử thu hồi hơn 1.000 hồ sơ đất nhà ở, hơn 400 hồ sơ đất nông nghiệp. Tính đến nay, đã có gần 700 hồ sơ nhà và đất nông nghiệp chấp hành bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư, ổn định cuộc sống. Hiện còn lại hơn 800 hồ sơ chưa triển khai công tác giải tỏa đền bù.
Về lý do chậm trễ đền bù, bố trí định cư, quận cho hay trước đây, Hội đồng giải phóng mặt bằng (HĐGPMB) tập trung giải toả trước các hộ dân tại khu vực hòn Thuỷ Sơn (ngay dưới thang máy lên núi) và đường Sư Vạn Hạnh. Sau đó UBND thành phố có chủ trương cho thực hiện giải toả trước khu mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh và các hộ bị ảnh hưởng do dễ gặp tình trạng núi sập tại chân núi Mộc Sơn. Do vậy, đối với các khu vực còn lại, HĐGPMB đang rà soát các thủ tục, kiểm tra các hồ sơ pháp lý có liên quan và chờ ý kiến chỉ đạo thực hiện giải toả, bố trí tái định cư.
Thêm một lý do nữa khiến dự án trì trệ là do không có nhà đầu tư. Năm 2016, UBND thành phố lại có Quyết định phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn và giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Viện Quy hoạch cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch dự án, đồng thời tiến hành kêu gọi các chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tín hiệu gì khả quan do nhiều nguyên nhân, nhất là vốn đầu tư quá lớn.
Quận cũng cho biết thêm đang tìm hướng xử lý đối với những trường hợp nhà cửa xuống cấp tại dự án. Đồng thời đề nghị cho phép dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn vẫn thuộc dự án chậm triển khai để người dân trong khu vực dự án được hưởng các quyền lợi của các dự án chậm triển khai. Hiện tại, quận đề xuất giải tỏa đối với những trường hợp đã nhận 80% tiền đền bù, hỗ trợ. Trước mắt, hội đồng tập trung thực hiện giải tỏa đền bù đối với 40 hồ sơ còn lại quanh ngọn Thủy Sơn.