Chuyện sáp nhập Đại Á Bank vào HDBank đã được Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank Lê Thị Băng Tâm khẳng định là Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý về mặt chủ trương và đại hội đồng cổ đông ngân hàng này cũng đã thông qua tờ trình sáp nhập.
Ở nhiều ngân hàng khác, tờ trình xin chủ trương sáp nhập, hợp nhất cũng được trình cho đại hội đồng cổ đông và đều được thông qua như Maritime Bank, Sacombank, Eximbank.
Với việc ký kết hợp tác chiến lược vào cuối năm ngoái, Eximbank và Sacombank vẫn trong lộ trình tiến đến sáp nhập trong vài năm nữa. Và trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank khi đọc tờ trình sáp nhập, cũng nói thêm khá nhiều về quy mô, mạng lưới của Sacombank. Ông Phạm Hữu Phú, người đại diện phần vốn của Eximbank, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank.
Theo ông Dũng, với những quy định khá chặt của Ngân hàng Nhà nước về gia tăng mạng lưới chi nhánh hay mở rộng quy mô thì việc sáp nhập chính là con đường ngắn nhất để phát triển một cách đột phá.
Ngoài những ngân hàng đã có đối tác cụ thể, ở nhiều ngân hàng khác việc thông qua chủ trương để nhằm chờ cơ hội thích hợp, tức nếu có diễn ra thì khỏi phải họp đại hội đồng cổ đông thêm một lần nữa.
Cụ thể như ở Ngân hàng Quân đội (MB), hội đồng quản trị xin thông qua chủ trương sáp nhập và cho biết chỉ để ngỏ, vì những yêu cầu của ngân hàng này về tỷ lệ nợ xấu và mức độ an toàn tài chính khiến cho các ngân hàng có ý muốn về với MB đều được ngân hàng này cho là “chưa phù hợp”. Hay tại ABBank, tờ trình sáp nhập cũng được thông qua dù chưa biết đối tác là ai.
Năm nay DongA Bank không trình đại hội đồng cổ đông về phương án sáp nhập, hợp nhất, trong khi tờ trình này đã được đại hội đồng cổ đông thông qua năm 2012. Theo ông Phạm Văn Bự, Chủ tịch Hội đồng quản trị, hiện tại ngân hàng này phải hoàn thành việc tăng vốn lên 6.000 tỉ đồng để tăng quy mô, sau đó sẽ lựa chọn thời điểm thuận lợi, vì giá cổ phiếu DongA Bank hiện khá thấp. “Mặc dù đã có 3-4 đối tác đến đặt vấn đề nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét”, ông Bự nói thêm.
Bênh cạnh các ngân hàng có dự định sáp nhập vì muốn mở rộng quy mô, thì ở nhiều ngân hàng, việc có đối tác mua lại cổ phần là phương án quan trọng để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại.
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức cuối tuần qua, Navibank đã có nói đến sự tham gia của các nhóm cổ đông mới cùng tái cơ cấu ngân hàng. Tuy chưa tiết lộ rõ, nhưng theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, phương án tái cơ cấu của Navibank đã được chấp thuận. Hay trước đó, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông Westernbank, phương án sáp nhập với Công ty tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) cũng đã được thông qua. Còn Trustbank, cũng đã bán một phần lớn cổ phần cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay của các ngân hàng, việc báo cáo với cổ đông về công tác tái cấu trúc được đặt lên hàng đầu, cơ cấu lại cổ đông, mạng lưới, chất lượng tín dụng… được coi trọng. Trong đó có nhiều ngân hàng quyết định hợp nhất, sáp nhập để nâng cao năng lực tài chính.
Ông Minh cho rằng trong bối cảnh tín dụng ế ẩm, nợ xấu tăng cao, việc kết hợp với nhau để tăng quy mô vốn, vượt qua khó khăn là đích nhắm của nhiều ngân hàng. Đồng thời, cũng đã có nhiều nhóm cổ đông, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhắm đến việc sở hữu các ngân hàng khi giá cổ phiếu trên sàn hiện khá thấp, trong khi việc thành lập ngân hàng mới đã bị hạn chế.
Tuy vậy, theo một chuyên gia ngân hàng, hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn nên kiểm soát chặt những dòng tiền đối với việc mua cổ phiếu ngân hàng số lượng lớn để chi phối. Điều này nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo, rửa tiền và tiền của ngân hàng được dùng để phục vụ cho các nhóm cổ đông lớn, gây thất thoát tiền của cổ đông và tiền gửi của người dân.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc hợp nhất của các ngân hàng phải cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định vì nếu các ngân hàng yếu sáp nhập với nhau thì phải có phương án hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn, nếu không khả năng trở thành ngân hàng lớn nhưng yếu hơn là rất có thể.