Tôi đã từng rất tức giận khi ngày lên Hà Nội nhập học, bố mẹ đưa tôi 30 triệu đồng và nói đây là số tiền trang trải trong 4 năm đại học, nhưng đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao bố mẹ lại làm như vậy.

Cầm giấy báo nhập học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Vậy là tôi sẽ được lên thành phố, được tự do ăn mặc theo những gì mình muốn, được đi chơi với bạn bè mà không sợ bố mẹ la mắng… Chắc bố mẹ cũng hiểu tôi đã kìm nén thế nào trong suốt một tháng ôn thi, nên ngày tôi thông báo lên trường nhập học bố mẹ đã “dằn mặt” bằng cách đưa tôi một “cục tiền”.

“Đây là 30 triệu đồng và con sẽ phải tiêu số tiền này trong 4 năm đại học, bố mẹ chỉ lo được đến như vậy thôi” – câu nói của bố mẹ khiến tôi sốc không nói được gì.

Đối với tôi số tiền 30 triệu thời điểm đó rất lớn, nhưng lại không nhiều để chi tiêu trong suốt 4 năm đại học. Tôi có thể giải hàng trăm bài toán trong đề thi đại học, còn bài toán bố mẹ đưa ra tôi lại chưa thể tìm được lời giải.

Đầu tiên về khoản tiền thuê nhà, tôi ở với dì nên không mất phí thuê và ăn uống, còn lại các chi phí khác như ăn sáng, mua dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân… đều phải trích từ số tiền bố mẹ đưa. Vì hai khoản quan trọng nhất không phải lo nên vài tháng đầu tiên tôi thấy vẫn ổn. Không chi tiêu quá nhiều.

Tuy nhiên, những tháng tiếp theo khi tôi quen thân với nhiều bạn bè hơn, quen đường phố hơn, tôi bắt đầu mê mẩn với các quán ăn vặt, trà sữa, đi phượt cùng bạn bè… và đương nhiên chi tiêu cũng nhiều hơn. Có tháng tôi tiêu hơn 5 triệu đồng để mua quần áo mới, đi phượt ở Đà Lạt. Khoảng sau 5 tháng, tôi giật mình khi nhìn lại số tiền đã vơi đi gần 2/3. Nếu cứ tiếp tục chi tiêu như vậy tôi sẽ không trụ nổi được 1 năm.

Tôi nhận ra với số tiền này dù có tiết kiệm như thế nào cũng không đủ cho 4 năm, nên quyết định tìm việc làm thêm. Sau một tuần ròng rã tôi cũng xin được công việc nhân viên bán hàng trong cửa hàng quần áo với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại tôi dành để học thêm khóa luyện giọng đọc, vì đây là điểm mạnh duy nhất mà tôi có. Dù số tiền bố mẹ cho đã cạn kiệt, nhưng tôi tin mình đang đi đúng hướng.

Bài học về quản lý tài chính là bài học đầu tiên bố mẹ day tôi - Ảnh minh họa.

Thu được trái ngọt

Kết thúc khóa học tôi xin làm cộng tác viên đọc voice cho các bản tin. Đây là công việc mang lại thu nhập tốt nhất mà không quá cực. Cứ thế 4 năm đại học trôi qua, mặc dù đã tiêu hết số tiền ba mẹ cho, nhưng tôi sẽ không phải xin thêm một đồng nào nữa vì đã kiếm ra tiền.

Sau khi tốt nghiệp, có công việc ổn định trong một công ty truyền thông, tôi dọn ra ở riêng. Với mức thu nhập hiện tại, sau khi trả các chi phí gồm tiền thuê nhà là 3 triệu đồng, các khoản điện nước và sinh hoạt khoảng 5 triệu đồng, thì mỗi tháng tôi vẫn tiết kiệm được khoảng 7-8 triệu đồng.

Đến năm 2021, tức sau khoảng 7 năm tích góp tôi có gần 700 triệu đồng, cũng là lúc chạm ngưỡng 30, tôi quyết định mua nhà Hà Nội để vừa có chỗ ở, vừa muốn dành cho bố mẹ một bất ngờ.

Việc chuẩn bị tài chính để mua nhà là một thách thức lớn khi tôi phải tự mình tìm hiểu tất cả các loại giấy tờ. Tôi chọn căn hộ có diện tích vừa phải, phù hợp tài chính và lên phương án vay ngân hàng một nửa để không bị áp lực trả nợ mỗi tháng.

Cuối cùng sau khi xem 3-4 căn hộ, tôi chốt luôn căn hộ 45m2 tại Khu đô thị Linh Đàm trị giá 1,2 tỉ đồng. Tôi vay ngân hàng 700 triệu đồng với lãi suất 11% trong thời gian 20 năm. Mỗi tháng tôi phả trả gốc và lãi hơn 9,3 triệu đồng.

Hiện tại khi đã chuyển đến căn nhà mới, tôi thầm cảm ơn bố mẹ đã cho tôi một bài học đáng giá về cách quản lý tài chính.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.