Tỉnh Sóc Trăng đang lên kế hoạch đầu tư 3 tuyến đường bộ nhằm cải thiện liết kết vùng Đông Nam tỉnh và kết nối với tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này khoảng gần 9.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng mới đây đã có buổi làm việc với sở ngành và đơn vị tư vấn về dự án xây dựng các tuyến đường bộ nhằm cải thiện liên kết vùng Đông Nam của tỉnh và kết nối Bạc Liêu, Trà Vinh.

Dự án này đã được Chính phủ ra Nghị quyết số 108/NQ-CP, ngày 18/7/2023, trong đó cho phép huy động vốn nước ngoài với tổng mức vay trên cơ sở nhu cầu đầu tư phù hợp với cam kết và quy hoạch.

Theo đơn vị tư vấn, đối với tuyến đường ven biển có quy mô nền 12m, mặt 7m, đường cấp III chiều dài 31km; tuyến đường Đông Tây (giai đoạn 2) có quy mô nền 9m, mặt 7m, đường cấp IV, chiều dài 18,6km và tuyến đường ĐT935C có quy mô nền 9m, mặt 7m, đường cấp III ở hai bên, ở giữa là phần đất dự trữ, chiều dài 37,9km. Tổng mức đầu tư đề xuất trên 8.738 tỉ đồng. Do đó cần xem xét trong quy hoạch tỉnh, khai thác quỹ đất và phát triển hành lang kinh tế dọc tuyến đường 935C nhờ lợi thế về logistic.

Tiến trình lập đề xuất dự án từ tháng 5/2022 - 9/2023; lập báo cáo tiền khả thi - báo cáo chủ trương đầu tư tháng 10/2023 - 4/2024; lập và phê duyệt nghiên cứu khả thi và các tài liệu phục vụ đàm phán từ tháng 5/2024 - 12/2024; đàm phán và ký hiệp định vay từ tháng 12/2024 - 2/2025. Giai đoạn thực hiện dự án thuộc Nhóm A không quá 6 năm, từ tháng 5/2025 - 4/2031.

Lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất với phương án tư vấn đưa ra. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát lại kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất hai bên đường; việc phát triển hành lang kinh tế… Thủ tục tiếp theo sẽ báo cáo lại Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho ý kiến.

Cũng tại Sóc Trăng, dự án siêu cảng Trần Đề đang chuẩn bị triển khai đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tại hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, siêu cảng này không chỉ có ý nghĩa với Sóc Trăng mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp cả khu vực này sớm thoát nghèo.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 xác định nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải thời gian tới là là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỉ đồng.

Cụ thể, Cảng biển Trần Đề được quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL với diện tích khoảng 550 ha, cầu cảng vượt biển dài 16 km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT... Ngoài cảng còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.