Năm 2020 chứng kiến 106 tòa nhà mới được hoàn thành trên toàn thế giới, có chiều cao từ 200 mét (656 feet) trở lên, giảm so với 133 tòa nhà hoàn thiện vào năm 2019 và là con số thấp nhất kể từ năm 2014.
CTBUH cho rằng sự suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra đã khiến các dự án cao ốc trên khắp thế giới "tạm dừng" trong bối cảnh các hạn chế về xây dựng và lắp ráp. Mặc dù nhóm nghiên cứu chỉ có thể chỉ ra 9 dự án bị chậm trễ có nguyên nhân trực tiếp từ đại dịch, nhưng họ cho rằng "nhiều dự án khác" đã "gặp khó khăn" do hậu quả từ Covid-19.
Trung Quốc thường thống trị lĩnh vực xây dựng cao ốc trên toàn cầu nhưng cũng đã trải qua một năm tương đối chậm chạp. Quốc gia này ghi nhận 56 tòa nhà mới cao hơn 200 mét, chỉ giảm một tòa nhà so với năm 2019. Tuy nhiên, 2019 lại là năm mà Trung Quốc chứng kiến mức giảm đến 40% số lượng tòa nhà chọc trời so với năm trước đó.
Ngoài tác động của Covid-19, CTBUH đã chỉ ra những thay đổi lớn hơn ở Trung Quốc, cụ thể là nỗ lực giảm nợ và sự thay đổi thái độ chính thức đối với việc xây dựng các tòa nhà cao tầng "khủng khiếp" của nước này. Vào năm 2016, Quốc vụ viện và nội các của Trung Quốc đã kêu gọi chấm dứt kiến trúc "quá khổ, sính ngoại, kỳ lạ" trước khi chuyển sang cấm xây các tòa nhà cao hơn 500 mét (1.640 feet) vào tháng 06/2020.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm hơn một nửa trong số các tòa tháp mới cao hơn 200 mét và năm trong số mười tòa tháp cao nhất của năm 2020; bao gồm một tòa nhà chọc trời cao 339 mét (1.112 feet) ở Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của đại dịch.
Dubai, New York tăng trưởng về chiều cao
Sự chậm lại ở Trung Quốc dẫn đến sự vươn lên trong bảng xếp hạng của một số quốc gia và thành phố khác có số liệu xây dựng nổi bật trong năm. Dubai đã hoàn thành nhiều tòa nhà chọc trời mới hơn bất kỳ thành phố nào khác vào năm 2020 với tổng cộng 12 công trình, đánh bại Thân Quyến khỏi vị trí dẫn đầu lần đầu tiên kể từ năm 2015.
Thành phố New York là nơi có hai tòa nhà mới cao nhất trong năm: Central Park Tower cao 472 mét (1.550 feet) và One Vanderbilt cao 427 mét (1.401 feet). Điều này đánh dấu lần đầu tiên sau 5 năm, tòa nhà mới cao nhất thế giới được hoàn thành ở bên ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ và Mexico đều chào đón những tòa nhà mới cao nhất của họ - lần lượt tại Mumbai và Monterrey - vào năm 2020. Và bất chấp những bất ổn kinh tế do Brexit gây ra, London đã hoàn thành bốn tòa nhà cao hơn 200 mét, con số cao nhất đối với thủ đô của Vương quốc Anh trong một năm.
Trong tương lai, CTBUH cho biết việc hoàn thành các tòa nhà chọc trời trên toàn thế giới có thể sẽ trở lại vào năm tới, và dự đoán sẽ có từ 125 đến 150 tòa nhà mới cao hơn 200 mét vào năm 2021.
Nhưng báo cáo của tổ chức này cũng cho thấy tác động lâu dài của Covid-19 có thể vẫn chưa thể hiện đầy đủ. Các tòa nhà cao tầng mất nhiều năm để hoàn thành, có nghĩa là việc giảm đầu tư ngay bây giờ có thể ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành trong tương lai xa.
Báo cáo của CTBUH có đoạn: “Vì các tòa nhà cao tầng thường bị ảnh hưởng bởi các chỉ số kinh tế, nên các tác động từ điều kiện kinh tế hoặc gián đoạn trong quá trình xây dựng vào năm 2020… sẽ vẫn được duy trì trong những năm sau. Cần phải nhớ rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 không ngay lập tức làm giảm tỷ lệ hoàn thành các tòa nhà chọc trời, mà phải chờ đến năm 2010 và 2011 mới diễn ra”.
-
Điểm danh những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, Việt Nam cũng góp mặt
Business Insider đã xếp hạng các tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới bằng dữ liệu từ Trung tâm Nhà chọc trời - The Skyscraper Center.