Sáng ngày 6/11, tại phiên chất vấn các Bộ trưởng xoay quanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế hoạch và đầu tư, vấn đề khai thác, chế biến đất hiếm, phục vụ cho phát triển công nghiệp bán dẫn được đưa ra.
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho biết, nước ta có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam khai thác, tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng chip bán dẫn toàn cầu.
Tuy nhiên, sản lượng khai thác chỉ có 1.000 tấn/năm do chưa có công nghệ khai thác, sản xuất, chế biến sâu, trong khi các nước giữ bí quyết công nghệ độc quyền.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cần có chính sách, chiến lược đột phá như thế nào, nhất là về thể chế, chính sách trong thu hút đầu tư, tìm kiếm công nghệ khai thác và chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời đại biểu trong phiên chất vấn sáng ngày 6/11
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đất hiếm là rất cần thiết cho phát triển các ngành công nghệ cao, nhất là công nghệ bán dẫn, trữ lượng của nước ta cho thấy sự cần thiết khai thác hiệu quả nguồn khoáng sản này.
Trước hết, Việt Nam phải tập trung kêu gọi đầu tư đối với các nước có công nghệ cao như Nhật Bản hoặc Mỹ.
Thứ hai, phải có chính sách chế biến sâu, không xuất thô khoáng sản này.
Thứ ba, phải phát triển được ngành bán dẫn ở Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam.
Thứ tư, phải tập trung vào vấn đề nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này, khai thác và chế biến sử dụng cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Được biết, đất hiếm là tài nguyên quý làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn…
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.
Cụ thể, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).
Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.
Giai đoạn từ 2031 - 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.
Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
-
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới. Đây là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp cao của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…
-
Container “made in Vietnam” vào tầm ngắm của nhiều ông lớn logistics đến từ Mỹ, Brazil, Ấn Độ...
Sau nhiều năm đầu tư sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu, những vỏ container “made in Vietnam” đã được Tập đoàn Hòa Phát giới thiệu đến thị trường thế giới tại Triển lãm Intermodal Europe 2024.
-
Bình Phước yêu cầu công trình từ 9 tầng trở lên phải dùng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung
Từ nay đến năm 2025, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên tại Bình Phước phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung (VLXKN) trong tổng số vật liệu xây. Trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn....
-
Gạch thủy tinh được sản xuất bằng công nghệ in 3D
Gạch thủy tinh sản xuất bằng công nghệ in 3D, có độ chắc chắn tương đương bêtông, được liên kết với nhau như các khối lego và tháo dỡ để tái chế nhiều lần.