27/02/2011 2:49 AM
Để giải quyết việc nâng cấp, cải tạo lại nhà chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó đề xuất nghiên cứu việc sở hữu chung cư có thời hạn. Bộ Xây dựng cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc quy định đất xây nhà chung cư có thời hạn phù hợp với đề xuất trên.


Đây là mô hình đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Đề xuất này sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh quy hoạch và xây dựng được đồng bộ hơn. Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho rằng, khó khăn nhất của việc quy định chung cư có thời hạn là quyền sở hữu.

Đất đai, nhà cửa cũng là một loại hàng hoá, hàng hóa có giá cả tương thích với giá trị của nó nên một căn hộ có quyền sở hữu trong vòng 50 năm sẽ có giá phải rẻ hơn rất nhiều so với một căn hộ có quyền sở hữu không thời hạn. Đây là hình thức gần với hình thức thuê mua nhà ở, việc chuyển nhượng quyền sở hữu của nhà chung cư có thời hạn sẽ phải đi kèm với rất nhiều quy định liên quan.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải không ít khó khăn và phản ứng từ nhiều phía. Có ý kiến cho rằng sở hữu nhà ở có thời hạn là không khả thi. Ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) đã tỏ ra lo lắng cho đề xuất trên.

Trả lời báo chí, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, mặc dù đề xuất này đã áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên theo ông nếu áp dụng ở Việt Nam là không khả thi. Bởi nếu bán nhà sở hữu có thời hạn thì không ai mua.

Như vậy, mục tiêu tiết kiệm quỹ đất cũng như vốn đầu tư xây dựng đặt ra khi nêu đề xuất không thể thực hiện được. Nếu đề xuất này được thực hiện thì 50 năm sau, nó cũng lại giống như tình trạng nhà của Nhà nước đã cho thuê trong thời gian qua. “Nhà của Nhà nước nhưng Nhà nước không thu hồi lại được để xây mới, nói gì đến nhà đã bán cho người dân, dù là bán có thời hạn” - ông Chính nhấn mạnh.

Nhưng bức xúc nhất là những người dân vẫn đang thấp thỏm nghe ngóng thông tin. Nhiều hộ dân nhận được tin nếu đề xuất này được thông qua thì những ngôi nhà của họ vốn đang nằm trong dạng thu hồi để thực hiện dự án xây dựng khu chung cư sẽ bị liệt vào dạng đền bù chung cư sở hữu có thời hạn.

Tất cả đều có chung một mối băn khoăn khi Nhà nước thu hồi đất ở của họ nhưng lại đền bù bằng nhà tái định cư trong các khu chung cư. Đương nhiên, nếu quy định được ban hành, thì người dân cũng phải chấp hành và họ lại càng thiệt thòi hơn bao giờ hết.

Như vậy, người dân đang từ người có đất đai, nhà cửa biến thành một người đi thuê nhà. Chẳng khác nào, 50 năm sau, người dân sẽ mất tất cả. Chưa nói đến những người đang có nhu cầu mua chung cư. Chẳng ai muốn bỏ ra một đống tiền để mua nhà nhưng sau vài chục năm lại bị thu hồi lại.

Theo họ, nếu chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn nhất định, thì thực chất đây là hình thức thuê nhà với giá cao mà người sử dụng phải trả tiền một cục.

Đó là chưa kể chúng ta không thể thực hiện đồng bộ tất cả các căn hộ. Vì những căn nhà chung cư đã bàn giao không nằm trong diện hồi tố. Lúc này đặt ra vấn đề, nhà chung cư có căn sở hữu theo thời hạn 50 năm, nhưng có căn lại ở vĩnh viễn. Nếu không giải quyết được vấn đề này, giá những căn hộ sở hữu vĩnh viễn cũng theo đó mà bị đẩy lên rất cao.

Nhiều nhà nghiên cứu đầu tư bất động sản đều có chung quan điểm, đề xuất trên sẽ góp phần làm hạ nhiệt giá thành của các căn hộ chung cư, nhất là các căn hộ cao cấp. Chắc chắn sẽ giảm bớt tình trạng đầu cơ căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, nếu không xử lý một cách khéo léo, đề xuất rất dễ trở thành con dao hai lưỡi. Vì tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà đất nhất là sở hữu vĩnh viễn nên giá đất nền sẽ ngày càng tăng lên, thậm chí chúng ta sẽ không kiểm soát được.

Đề xuất trên là nhằm giúp hạ nhiệt giá nhà chung cư, tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tâm lý ở nhà thuê vẫn trĩu nặng trên vai những người đang muốn tìm kiếm cho mình một căn hộ chung cư.

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland