07/11/2013 8:30 AM
“Tại sao lại đặt ra vấn đề hạn chế 70 năm. Vậy thì biệt thự, liền kề có hạn chế 70 năm không? Sao chỉ hạn chế vào chung cư? Cũng đều là mua nhà để ở họ có làm gì khác đâu” – TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng đặt vấn đề.

Phương án căn hộ chung cư chỉ được sở hữu trong 70 năm được Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Với phương án này không ít người tỏ ra e dè khi chọn mua chung cư, ngay trong chính nhà đầu tư BĐS cũng phân ra những luồng ý kiến tán thành và phản đối.

Nhận định về dự thảo này của Bộ Xây dựng, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho rằng: “Đây là một trong hai phương án mà Bộ Xây dựng đưa ra nhưng tôi thấy rằng ý tưởng này cũng không thích hợp lắm”.

TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng

Bàn về vấn đề này TS Liêm đặt ra 3 vấn đề: “Thứ nhất, tại sao lại muốn hạn chế thời hạn sở hữu chung cư. Lý do gì? Cái này phải nói rõ.

Thứ hai, Tại sao lại đặt ra vấn đề hạn chế 70 năm. Vậy thì biệt thự, liền kề có hạn chế 70 năm không? Sao chỉ hạn chế vào chung cư? Cũng đều là mua nhà để ở họ có làm gì khác đâu.

Thứ ba là nếu quy định như thế thì có vẻ sẽ không khuyến khích người ta ở chung cư. Trong khi đó ở tất cả các nước đặc biệt là ở những nước thiếu đất như Hàn Quốc, Nhật Bản, HongKong, Singapo…đều phát triển chung cư. Người ta đang khuyến khích người ta vào chung cư nhưng với chính sách này liệu có phải chúng ta đang “đuổi” khách hàng tìm về với biệt thự, liền kề. Bởi rõ ràng nếu anh không ưu đãi ở chỗ này thì họ sẽ phải tìm đến chỗ khác có ưu đãi tốt hơn. Theo tôi, điều này cũng không phù hợp với chính sách nhà ở quốc gia”.

Với chính sách này liệu có phải chúng ta đang “đuổi” khách hàng tìm về với biệt thự, liền kề?

“Tôi thấy ngay việc này chúng ta cũng nên xem xét lại. Người kinh doanh BĐS họ được cấp đất có thời hạn cái đó dễ hiểu nhưng nếu họ làm cái gì khác như khách sạn, nhà máy thì hiểu được, chung cư cho thuê cũng hiểu được. Nhưng với nhà chung cư bán thì dù người nước ngoài làm chủ đầu tư nhưng người Việt Nam mua là chủ yếu.

Tôi là người mua, căn hộ đó đã thuộc sở hữu của tôi rồi sao lại bắt tôi phải phụ thuộc vào thời hạn thuê đất của ông kia. Họ bán xong rồi thì tiền thuê đất là các nhà đã mua chung cư nếu có trả thì phải trả chứ. Như vậy chung cư là chung cư trong nước. Người kinh doanh bán xong thì họ đi chứ họ có ngồi đấy đâu. Vậy những người mua căn hộ đó ra sao? Tự nhiên họ ở nhà của họ bên cạnh cũng là chung cư của nhà đầu tư trong nước thành ra 2 chế độ. Rất khó hiểu. Họ cũng là người bỏ tiền ra mua nhà để ở tại sao bên này bên kia khác nhau. Đó chẳng là một sự vô lý?” TS. Liêm phân tích.

Bàn đến khi dự thảo đi vào thực tiễn có thể sẽ tạo cửa cho giá chung cư giảm đi nhiều, TS. Liêm nhận định: “Rẻ hơn thì ở nước ngoài họ cũng đã đầu tư và thực tế là rẻ hơn so với chung cư khác nhưng người mua vẫn không có vẻ mặn mà với điều đó. Cứ tính đơn giản tôi mua căn hộ đó 70 năm tôi đã ở đó 50 năm rồi còn 20 năm nữa bán liệu có ai mua mà để lại cho con cháu cũng không quý, nó cũng phải lo mua cái nhà mới. Vì vậy trăm điều chẳng có điều nào lợi”.

Hồng Khanh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.