12/02/2015 1:30 PM
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 (không) đồng và trở thành chủ sở hữu duy nhất tại đây. Giới quan sát sử dụng cụm từ “quốc hữu hóa” để đặt tên cho động thái này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử non trẻ của ngành ngân hàng Việt Nam, Nhà nước tiếp quản toàn bộ một tổ chức tín dụng cổ phần.

Có bốn đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của quá trình quốc hữu hóa VNCB. Đầu tiên là những cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ của ngân hàng. Nếu toàn bộ sổ cổ đông không được cơ quan chức năng thu lại, có lẽ nhiều người trong số họ sẽ giữ tờ giấy chứng nhận tư cách cổ đông như một kỷ niệm, nhắc nhở về một khoản đầu tư sai lầm. Họ đã từng góp vốn, mua cổ phần VNCB với giá bao nhiêu giờ đây không còn quan trọng nữa vì hiện tại nó không còn giá trị.

Đối với họ, thời gian mà một cổ phần VNCB từ chỗ có giá trị đến chỗ 0 đồng thật ngắn ngủi. Năm 2013, VNCB nằm trong số những ngân hàng phải tái cơ cấu đợt 1 và đã được phép tự tái cơ cấu. Tháng 11-2013 những cổ đông của VNCB công bố đã bỏ thêm tiền để nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng. Hơn một năm sau, số vốn này đã không còn lấy một đồng. Nên nhớ 7.500 tỉ đồng là số vốn điều lệ mới được chính VNCB công bố vào cuối năm 2013, còn tiền đã thực sự được cổ đông đóng góp thêm chưa và đã được cơ quan quản lý phê duyệt chưa, không ai có thể khẳng định.

Đây là bài học đắt giá đối với các nhà đầu tư vào VNCB. Không ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã phải hủy niêm yết bắt buộc vì kinh doanh thua lỗ, mất hết vốn điều lệ. Tuy nhiên vào ngày rời sàn, thị giá cổ phiếu vẫn còn ở mức 1.000-2.000 đồng. Không cổ phiếu hủy niêm yết nào có giá thảm hại 0 đồng như VNCB!

Đối tượng thứ hai là Nhà nước. Nhà nước không phải bỏ ra đồng nào khi tiếp quản VNCB, nhưng để duy trì hoạt động của nó, có hai chi phí mà Nhà nước không thể không tính đến. Làm chủ sở hữu VNCB, Nhà nước phải có trách nhiệm với những khoản nợ của nó, cụ thể là trách nhiệm đảm bảo trả đủ gốc và lãi cho những người gửi tiền khi sổ tiết kiệm của họ đáo hạn. Người ta chỉ biết, theo như thông báo của NHNN, VNCB đã mất hết vốn chủ sở hữu, tức 7.500 tỉ đồng trong trường hợp vốn điều lệ mới của ngân hàng đã được phê duyệt hoặc 3.000 tỉ đồng nếu chưa được chấp thuận, chứ không ai biết số tiền bị mất có xê dịch ít/nhiều hơn những số liệu trên.

"Vì sao VNCB, đã nằm trong danh sách tái cơ cấu đợt một của ngành ngân hàng, lại đi đến tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu? Vậy thực sự tái cơ cấu đợt một có tạo điều kiện cho VNCB tốt lên, hay ngược lại?"

Chi phí thứ hai là quản lý, điều hành. Do NHNN không có đủ người, cơ quan này “nhờ cậy” Vietcombank đứng ra gánh vác giùm. Vietcombank phải điều động cán bộ sang điều hành VNCB, hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ nghiệp vụ... Nói tóm lại Vietcombank phải bỏ công sức và tiền bạc, trước hết là trả lương cho những cán bộ chuyển sang VNCB. Vietcombank là ngân hàng đại chúng đã niêm yết, có cổ đông nước ngoài, mọi chi phí đều phải hạch toán công khai, minh bạch. Vietcombank sẽ đưa khoản chi phí điều hành VNCB vào mục nào trong Báo cáo tài chính kiểm toán hàng quí, hàng năm?

Đối tượng thứ ba là người gửi tiền. Quyền lợi của họ ở VNCB tiếp tục được đảm bảo nếu tiền gửi chưa đáo hạn, còn những khoản đáo hạn được lãnh gốc và lãi đúng với mức lãi suất khi gửi. Việc họ có gia hạn khoản tiền gửi hay không, phụ thuộc vào chính họ.

Đối tượng thứ tư không chịu tác động trực tiếp, mà chịu tác động gián tiếp của việc thay đổi chủ sở hữu ở VNCB là thị trường. Từ nay dư luận công chúng, những nhà kinh doanh tiền tệ, những nhà đầu tư, những tổ chức và cá nhân tham gia mua bán sáp nhập (M&A) được biết giá của một tổ chức tín dụng khi chuyển nhượng có thể là 0 đồng - mức giá mà thị trường chưa hề được biết công khai từ trước đến giờ.

Con số 0 đồng chỉ ra sự khắc nghiệt của thị trường vô cùng lớn, rủi ro nhiều và đi kèm cơ hội cũng nhiều. Những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm, có công nghệ quản trị, đủ sức đảm đương trách nhiệm của một ngân hàng đối với người gửi tiền, biết đâu sẽ có cơ hội tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Tất nhiên “cạnh tranh” với một nhà đầu tư mạnh như Nhà nước sẽ không dễ vì Nhà nước đồng thời là cơ quan quản lý, còn họ thì không.

Trên hết, những gì đang diễn ra ở VNCB cho thấy tiến trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng không hề giản đơn. Vấn đề đặt ra là vì sao VNCB, đã nằm trong danh sách tái cơ cấu đợt 1 của ngành ngân hàng, lại đi đến tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu? Vậy thực sự tái cơ cấu đợt 1 có tạo điều kiện cho VNCB tốt lên, hay ngược lại? Thông thường, Thanh tra NHNN giám sát rất chặt chẽ các ngân hàng yếu kém theo quy định pháp luật. Khi vốn chủ sở hữu của một ngân hàng giảm đến một mức độ nào đó, thí dụ từ 3.000 tỉ đồng xuống còn 1.500 tỉ đồng, thanh tra đã “thổi còi” và áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Quy định pháp luật đã có, thanh tra giám sát chặt chẽ, nhưng VNCB vẫn mất vốn chủ sở hữu, “lỗ hổng” ở đây, nếu có, là gì? Nó nằm ở luật pháp hay ở người thi hành luật pháp?

VNCB đang được duy trì hoạt động và một ngày nào đó sẽ phục hồi, có thể trở lại đội ngũ những ngân hàng tốt. Từ nay đến ngày đó cần thời gian, công sức mà thời gian là tiền bạc, công sức là tiền bạc. Cái giá 0 đồng mua VNCB, thành ra, lớn hơn con số không tròn trĩnh rất nhiều!

Hải Lý (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.