26/11/2011 12:43 AM
Sáng 25.11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tiếp tục phiên chất vấn với 36 câu hỏi của 20 đại biểu (ĐB) QH xoay quanh 3 chủ đề hết sức nóng hổi là siết kinh doanh vàng miếng, trần lãi suất và tái cấu trúc các ngân hàng thương mại.

Thanh tra NHNN yếu kém


Năng lực giám sát của Thanh tra NHNN là vấn đề được nhiều ĐB tập trung chất vấn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận rằng Thanh tra NHNN đã quá yếu kém, trì trệ khi 6 tháng đầu năm 2011 tiến hành 1.000 cuộc thanh tra nhưng không phát hiện được tổ chức tín dụng (TCTD) nào vượt trần lãi suất. ĐB Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận) chất vấn: “Tiền của NH là mồ hôi nước mắt của công nhân, nông dân gom góp, để thất thoát là có tội với dân. Xin hỏi Thống đốc đã yên tâm về kết quả thanh tra này chưa. Nay mai thanh tra ngành khác phát hiện ra thì đồng chí chịu trách nhiệm như thế nào?”. Trước câu hỏi hóc búa này, Thống đốc đáp: “Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của ĐB và sẽ có biện pháp quyết liệt chấn chỉnh hoạt động thanh tra, giám sát để lấy lại niềm tin của người dân”.


ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi: “Tôi suy nghĩ từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo NHNN đã dẫn tới hậu quả các doanh nghiệp (DN) đã bị lâm vào khó khăn, đình đốn, vỡ nợ khi phải vay lãi suất cao. Vậy lãnh đạo NHNN đã kiểm điểm làm rõ trách nhiệm người liên quan, đã xử lý trách nhiệm cá nhân đối với những người thực thi công vụ dẫn tới hậu quả này hay chưa. Thống đốc có đề xuất với Chính phủ đưa ra cơ chế, kinh phí hỗ trợ cho các DN gánh chịu hậu quả?”. Thống đốc NHNN đáp: “Nội bộ chúng tôi đã kiểm điểm rất sâu sắc về vấn đề này và đưa ra giải pháp cho thời gian tới. Điều đó thể hiện từ tháng 8 trở lại đây các TCTD cơ bản chấp hành nghiêm túc, các vụ việc liên tiếp bị phát hiện ra”.


SJC thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Vàng miếng SJC đã thuộc về NHNN VN - Ảnh: D.Đ.Minh

Từ giờ phút này SJC sẽ thuộc về chúng tôi


Sau lãi suất, vấn đề quản lý vàng miếng được tiếp tục mổ xẻ. Một số ĐB đặt vấn đề có hay không nhóm lợi ích khi NHNN cho can thiệp nhập vàng, cấp quota nhập khẩu? Ông Bình cho biết: Việc phải quản lý vàng miếng là do trước đó có tới 1.200 DN thả cửa kinh doanh gây ra nhiều bất ổn. Ngoài ra, khung pháp lý còn bất cập, khi NHNN quản lý đầu vào là vàng nguyên liệu, Bộ Công thương quản lý đầu ra vàng miếng hàng hóa, nay phải thống nhất lại đầu mối. Nghị định Quản lý, kinh doanh vàng đã được trình Chính phủ, sẽ sớm được ban hành thời gian tới. Nội dung khuyến khích hoạt động sản xuất chế tác vàng trang sức do là hoạt động bình thường tạo ra hàng hóa, xuất khẩu, công ăn việc làm, tuy nhiên siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc nhà nước độc quyền. “Do vậy, nếu có nhóm lợi ích nào bị quy định này làm ảnh hưởng, nhóm lợi ích nào đi trái lại lợi ích quốc gia sẽ không được chấp nhận và tồn tại trong thời gian tới”, ông Bình nói và cho biết thêm NHNN đang gấp rút xây dựng đề án Nhà nước huy động vàng theo nguyên tắc bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân về sở hữu và mua bán vàng miếng, về việc gửi ở các địa chỉ an toàn có khả năng sinh lãi.


Tuy nhiên, ĐB Đào Xuân Huy (Đồng Tháp) vẫn tỏ ra băn khoăn và tiếp tục nhắc lại câu hỏi của mình: “Thống đốc chưa trả lời câu hỏi của tôi từ chiều 24.11 là Nghị định Quản lý vàng ra đời sẽ chỉ còn một thương hiệu SJC độc quyền sản xuất vàng miếng, sẽ độc quyền thị trường về giá, sản lượng. Thống đốc có cam kết giá vàng miếng sẽ không bị đầu cơ, trục lợi không?”. Ông Bình đáp: “Thương hiệu SJC vốn chiếm 90% thị trường vàng miếng, trước kia thuộc UBND TP.HCM, nay đã được Thủ tướng đồng ý cho phép trở thành nhãn hàng của NHNN. Kể từ giờ phút này SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng của NHNN. Khi điều kiện cho phép sẽ đổi SJC thành SBV (tên viết tắt bằng tiếng Anh của NHNN - PV) cho đồng bào, chiến sĩ cả nước yên tâm”.


Không để TCTD nào đổ vỡ


Chuyển sang chủ đề tái cơ cấu hệ thống NH, trả lời các câu hỏi của một số ĐB, ông Bình cho biết sẽ phân các NH thành 3 nhóm lớn. Thứ nhất, các NH có tài chính và năng lực, quy mô đủ lớn tiếp tục phát triển thành trụ cột cho hệ thống, dự kiến sau 5 năm có khoảng 15 NH nhóm này, chiếm 80% toàn bộ thị phần hoạt động, cố gắng có 1 hoặc 2 NH tầm cỡ trong khu vực, quốc tế. Thứ hai, nhóm có tài chính lành mạnh, nhưng quy mô nhỏ, không còn điều kiện phát triển cao hơn. Nhóm này hoạt động trong phân khúc nhất định phù hợp với sức khỏe. Thứ ba, các TCTD tài chính khó khăn sẽ phải thay đổi lại bằng việc cho TCTD khác mua lại, sáp nhập. Giải pháp này sẽ tiết kiệm được chi phí cho ngân sách nhà nước. “Phương châm tái cơ cấu không để TCTD nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của khách hàng, người dân”, ông Bình nói và cho biết lộ trình cụ thể đến quý 1/2012 định hình rõ 3 nhóm NH; sau đó đến 2013 xử lý thanh khoản, giải quyết xong nhóm 3; từ 2013 đến 2015 tập trung nâng cao hiệu quả an toàn, xây dựng các nhóm NH lành mạnh; từ 2015 - 2020, hệ thống tiếp tục tái cấu trúc, đảm bảo có 4 NH có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Theo Anh Vũ (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.