14/06/2014 8:15 PM
Singapore hiện trở thành thành phố sống tốt thứ 3 trên thế giới. Để đạt được điều này, Singapore rất chú trọng bảo vệ môi trường.

Gần 5 thập kỷ trước, một đất nước Singapore mới độc lập đã đặt nền móng để vượt qua các thách thức về ô nhiễm, thảm họa thiên nhiên và sự thiếu hụt nước.

Vào năm 1965, đất nước Singapore phải hỗ trợ 1,9 triệu người gần như là không có chuyên môn gì, tỷ lệ thất nghiệp tới 12%. Đói nghèo lan tràn với 2/3 dân số sống trong các khu ổ chuột hay "nhảy dù" bên ngoài thành phố. Vấn đề vệ sinh thì... kinh khủng. Chuyện xả rác, khạc nhổ bừa bãi phổ biến, thu thập rác bằng xe đẩy gây ô nhiễm môi trường. Các dòng sông không có sự sống. Chưa kể, nguồn tài nguyên nước của Singapore thì rất ít, đến nay vẫn phải nhập khẩu nước ngọt chủ yếu từ Malaysia.

Để đối mặt với rất nhiều vấn đề đa dạng liên quan đến nhau như vậy, Singapore xây dựng một kế hoạch đặt nền tảng cho vấn đề sử dụng đất, tích hợp giao thông công cộng, thoát nước, chống lũ lụt và quy /hoạch khu vực nhà ở, công nghiệp vào năm 1971. Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ Singapore huy động mọi nguồn lực và hợp nhất nỗ lực của các thành phố riêng rẽ.

Những dự án manh nha về tái sử dụng nước cũng đã được nghĩ đến, mà nay chính là hệ thống được gọi là NEWater. Hiện, NEWater cung cấp nước đủ cho 30% nhu cầu. Dự kiến, đến năm 2060, hệ thống sẽ cung cấp đến 55% nhu cầu.

Rất nhiều yếu tố để làm nên thành công của một dự án về nước, nhưng để tạo bước đột phá phải có sự đồng thuận của cộng đồng, doanh nghiệp, các nhóm công nghiệp và khu vực công. Không có người mua, dự án sẽ cực kỳ khó khăn để tiến hành tiếp.

Trong lĩnh vực nước và quản lý rác thải, rất nhiều việc đã được tiến hành tốt nhằm làm trong sạch và bảo vệ môi trường. Để trở thành thành phố sống tốt thứ 3 thế giới như hiện nay (London đứng thứ 1, New York thứ 2 - theo kết quả của một nghiên cứu mới nhất tiến hành với 30 thành phố trên toàn thế giới, công bố tại Hội nghị cấp cao các Thành phố Thế giới - WCS), Singapore chưa bao giờ tuyên bố "phát triển trước, làm sạch nước sau". Nhận thức được rõ mọi vấn đề, Singapore luôn đau đáu việc phải bảo vệ môi trường hết mức có thể. Làm trong sạch sông ngòi là một ví dụ điển hình. Với việc làm sạch sông ngòi, hồ chứa nước nhân tạo với lưu vực 10.000ha Marina Barrage trở thành trái tim của thành phố cùng lá phổi xanh - ở đâu cũng là vườn, Singpore không chỉ là điểm đến hấp dẫn trên thế giới mà thực sự là một trong những nơi đáng sống nhất thế giới dù quốc đảo rất nhỏ bé và thiếu thốn tài nguyên. Được xây dựng để cung cấp nước sinh hoạt và kiểm soát lũ lụt, kiệt tác kiến trúc khổng lồ Marina Barrage còn là nơi tuyệt vời để vui chơi.

Singapore cũng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ việc bảo vệ môi trường như hệ thống thoát nước, xử lý chất thải, đốt rác để đảm bảo không gây ô nhiễm và lãng phí. Semakau Landfill nổi tiếng là hòn đảo chôn rác nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Nhờ hệ thống này, từ 16.000 tấn rác mỗi ngày, sau khi đốt rác, Singapore chỉ cần bãi đổ rác cho hơn 10% lượng rác đó. Đặc biệt, nhiệt năng sinh ra trong khi đốt rác được dùng để chạy máy phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của Singapore.

Một mảng nữa cũng được giành nhiều nỗ lực là xanh hóa môi trường để biến quốc đảo này thành "thành phố trong vườn" hay "vườn trong thành phố" mà người dân nơi đây rất tự hào. "Chúng tôi phấn đấu 100% diện tích mặt đất phủ cây xanh và tương ứng 100% diện tích trên không cũng phải xanh hóa"- ông Ng Lye Hock Larry, Kiến trúc sư - Giám đốc điều hành WCS- cho hay. Và PV báo Lao Động cũng nhận thấy những tòa nhà bê tông chọc trời của Singapore mềm mại hơn với không gian xanh cả bên ngoài và bên trong. Ong, bướm bay rập rờn đậu trên các cánh cửa, mảng tường bên trong, hương thơm hoa cỏ dìu dịu khắp không gian.

Ông Ng Larry còn cho biết thêm, Singpore còn tạo ra hệ thống PCN (park connection network) - mạng lưới công viên. Nghĩa là, mỗi không gian, mỗi tòa nhà đều trở thành một công viên nhỏ. Các công viên nhỏ như vậy kết nối với nhau tạo thành hệ thống PCN.

Ngoài ra, Singapore quản lý tốt môi trường đô thị bằng chế tài xử phạt, đánh vào ý thức của người dân. Singpore xử phạt nghiêm khắc với việc xả rác, khạc nhổ bừa bãi. Để ngăn chặn triệt để hành vi này, Singpore cấm ăn kẹo cao su. Xả rác bừa bãi bị phạt 1.000 SGD, tái phạm thì sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 SGD và phải lao động công ích. Ở các ga tàu điện ngầm, việc uống nước hay ăn bất cứ thứ gì đều bị cấm, nếu vi phạm bị phạt từ 5.000 - 1.000 SGD. Thậm chí, nếu con của bạn đói, bạn phải ra khỏi tàu điện ngầm để cho bé ăn sữa - Julia Le, người sinh sống và làm việc ở Singapore khoảng 10 năm nay, cho PV Lao Động hay.

Rõ ràng, để làm theo mô hình Singapore, chúng ta không chỉ cần sự nỗ lực, trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp mà cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Thanh Huyền (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.